Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỏi mắt tìm quà lưu niệm mang bản sắc Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bao lâu nay, du khách đến Hà Nội ra về trong tiếc nuối vì mỏi mắt tìm vẫn không biết chọn món đồ lưu niệm nào mang bản sắc Hà Nội thật ưng ý.

Đã ít lại lộn xộn

Nếu như các điểm đến nổi tiếng thế giới đều có những “đặc sản” lưu niệm riêng, thì du lịch Hà Nội - nơi được xếp trong danh sách những điểm đến hấp dẫn của thế giới lại chưa có một sản phẩm nào mang tính biểu trưng. Chẳng nói đâu xa, du khách nào tới đảo Jeju (Hàn Quốc) đều mua cho bằng được những bức tượng Harubang - biểu tượng của thiên đường du lịch này. Bởi nếu không, họ sẽ không thể mua được ở nơi nào khác trên thế giới. Còn đến Nhật Bản, bất cứ ai cũng muốn sở hữu những chú mèo Maneki Neko - vật cầu may phổ biến nhất tại đất nước Phù tang. Kèn Vuvuzela của Nam Phi, mặt nạ Venice truyền thống của Italia… là những món quà lưu niệm biểu trưng của những quốc gia này. Ngay ở Việt Nam, những ai đi du lịch ở các địa phương khác như Đà Lạt (Lâm Đồng) hay Quảng Nam đều có thể mua được đồ len đan tay hoặc đèn lồng, túi thêu về làm quà.
Khách du lịch băn khoăn trước quầy bán đồ lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Hải
Khách du lịch băn khoăn trước quầy bán đồ lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Hải
Vậy mà dù có hẳn chuỗi làng nghề lâu đời với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được cho là độc đáo của thế giới, song khách du lịch đến Hà Nội thật khó để mua được một món đồ đậm chất Hà thành. Thế nên, du khách thường chọn mua: Đồ gốm, ô mai, cốm, trà sen hay lụa tơ tằm… về làm quà cho người thân, bạn bè. Ngoài các làng nghề, những đồ thủ công này thường được bán nhiều tại các cửa hàng lưu niệm dọc phố Lý Quốc Sư, Hàng Gai, Hàng Bông, Nhà Thờ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Chủ yếu bán cho khách "Tây" hoặc những ai khó tính, khắt khe về mặt thẩm mỹ, vì thế giá cả cũng cao hơn những sản phẩm thông thường. Tuy vậy, cùng một đồ vật, mỗi cửa hàng lại bán một giá khác nhau, bán cho “Tây” giá khác, “Ta” lại giá khác.

Chị Kiều Trang - một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh sau khi tham quan Phố cổ Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất muốn mua những sản phẩm nhỏ mang đậm bản sắc Hà thành và không thể mua được ở đâu khác ngoài Hà Nội về trưng bày và tặng cho người thân, bạn bè. Tuy nhiên, sau 2 ngày tham quan khu Phố cổ, tôi vẫn chưa thể chọn được một món đồ ưng ý”. Chị cho biết thêm, lựa chọn những món đồ này không dễ, bởi nhìn chung mẫu mã, chủng loại các mặt hàng vẫn còn đơn điệu. Một số mặt hàng có giá trị nghệ thuật cao như tranh chạm khắc gỗ, tranh sơn mài, tượng đá, chai lọ thủy tinh, sành sứ… nặng và khó mang đi xa. Đó là chưa kể một số đồ thủ công mỹ nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng bị xếp xen kẽ. Trong khi đó, ông David Tay - du khách người Singapore phàn nàn: “Giá cả của những món đồ lưu niệm dù cùng mẫu mã, kiểu dáng nhưng lại không cố định hoặc không được niêm yết. Tôi mua một bình gốm ở phố Hàng Bạc giá 300.000 đồng, nhưng ở khách sạn nơi tôi ở lại bán với giá 350.000 đồng, còn ở phố Hàng Bông lại bán với giá 500.000 đồng. Dù mua được sản phẩm này ở mức giá rẻ, nhưng tôi vẫn có cảm giác mình đã bị lừa và thị trường quà lưu niệm ở Hà Nội… lộn xộn”.

Tiếc cơ hội

Giới chuyên môn nhận định, thiếu mặt hàng lưu niệm đặc trưng khiến Hà Nội lãng phí cơ hội “móc hầu bao” của du khách và nâng cao doanh thu cho du lịch. Đặc biệt là việc quảng bá văn hóa, con người Hà Nội qua những mặt hàng lưu niệm mang bản sắc. Mặt khác, điều này chứng tỏ sự thiếu nhạy bén của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cũng như các làng nghề truyền thống ở Hà Nội.

Có thể thấy, Hà Nội có hẳn một khu “phố Tây” nhưng lại chỉ mạnh về dịch vụ ăn uống, chứ không mạnh về mua sắm hàng hóa, quà lưu niệm. Thậm chí, theo chị Hiền - chủ một cửa hàng đồ lưu niệm trên phố Hàng Bông, đa phần các sản phẩm ở cửa hàng này và nhiều nơi khác ở Hà Nội đều nhập từ những địa phương lân cận, hoặc đồ mỹ nghệ Hội An (đèn lồng, đồ lưu niệm bằng tre…) và cả đồ của Trung Quốc. “Chúng tôi rất mong có những sản phẩm lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ của Hà Nội có chất lượng, điểm nhấn để bán cho du khách nhưng không có nguồn. Điều này cũng khiến cơ hội kinh doanh bị lãng phí” - chị chia sẻ. Trong khi đó, du khách lại cảm thấy buồn vì chưa chọn được những món đồ thực sự ưng ý.

Thực tế, từ lâu ngành du lịch Hà Nội đã quan tâm đến việc chọn biểu tượng đặc trưng làm quà lưu niệm cho các “thượng đế”, đảm bảo tính gọn nhẹ, vừa làm nổi bật nét văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, hầu hết những nỗ lực này mới chỉ dừng lại ở mức phát động phong trào mà chưa có những hành động thiết thực, chưa phát huy hiệu quả thực sự. Về vấn đề này, TS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển Du lịch bền vững cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc tìm quà lưu niệm cho khách du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, như: Thiết kế sản phẩm chưa phù hợp với thẩm mỹ của thị trường, giá cả chưa hợp lý, sản phẩm không mang thông điệp của điểm đến… “Và quan trọng nhất là chúng ta chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho sản phẩm lưu niệm cả về “chất xám” và tài chính. Chúng ta vẫn giữ thói quen copy, ăn sẵn những mẫu sản phẩm hiện có. Tâm lý này khiến chúng ta không bao giờ đáp ứng được nhu cầu thiết yếu nhất của sản phẩm lưu niệm, đó là tính độc đáo và bản sắc địa phương” - bà Hạnh nhấn mạnh.
Muộn còn hơn không

Mỏi mắt tìm quà lưu niệm mang bản sắc Hà Nội - Ảnh 1Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtour Nguyễn Công Hoan cho rằng, cần sớm cho ra đời một sản phẩm quà lưu niệm mang tính biểu trưng của du lịch Thủ đô dù bây giờ mới nghiên cứu, nhưng muộn còn hơn không, bởi đây là công cụ quảng bá du lịch vô cùng hữu hiệu.

Theo ông, đồ lưu niệm ở Hà Nội hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu của du khách chưa?

- Trước tiên, tôi xin nói về ấn tượng với các món lưu niệm ở một số Thủ đô trên thế giới. Kuala Lumpur của Malaysia có bán mô hình tháp đôi bằng sắt được chế tác rất tinh xảo, còn Paris có rất nhiều đồ lưu niệm hay, trong đó, tôi cực kỳ ấn tượng với chiếc đĩa bằng sắt, trên đó thiết kế tất cả những điểm du lịch nổi tiếng của Paris như Tháp Eiffel, cung điện Versailles, bảo tàng Louvre, Khải Hoàn Môn… Phải khẳng định, đây không chỉ là quà lưu niệm thông thường mà nó còn có tính chất biểu tượng cho điểm đến mà hầu như du khách nào tới đây cũng muốn mang về. Tôi cho là quà lưu niệm của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Bởi, Thủ đô của chúng ta chưa có một sản phẩm đồ lưu niệm đạt chuẩn, mang tính chất biểu trưng. Thứ hai, các món đồ lưu niệm hiện đang được bày bán, đa phần là đồ thủ công mỹ nghệ khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã, nhưng “so bó đũa” vẫn khó tìm được “cột cờ”. Mặt khác, hàng giả, hàng nhái, hàng có xuất xứ Trung Quốc tràn lan, giá cả lại không đồng nhất khiến du khách có cảm giác… bị lừa. Trong khi đó, tâm lý du khách là mua được càng nhiều quà lưu niệm càng tốt.

Nghĩa là một món đồ lưu niệm mang tính chất biểu trưng của Thủ đô rất có ý nghĩa đối với ngành du lịch, thưa ông?

- Một món quà lưu niệm mang tính chất biểu trưng của Thủ đô là mong mỏi của giới lữ hành từ rất lâu. Bây giờ mới nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm này là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không. Bởi quà lưu niệm mang tính chất biểu trưng có vai trò quan trọng trong việc quảng bá du lịch của điểm đến. Mỗi năm có khoảng 3 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội. Nếu chúng ta cũng có một món đồ lưu niệm thật độc đáo để bất cứ khách nào đến Hà Nội cũng muốn mua và trưng bày ở nhà thì hiệu quả quảng bá sẽ lớn đến mức nào. Chỉ cần mỗi vị khách quảng bá cho 1 người thôi, mỗi năm chúng ta đã có thêm được số khách tương đương đến với Hà Nội.

Vậy sản phẩm đồ lưu niệm mang tính chất biểu trưng cần hội tụ những tiêu chí nào?

- Theo tôi, chúng ta có chùa Một Cột và Khuê Văn Các (Văn Miếu – Quốc Tử Giám) là 2 công trình kiến trúc độc đáo, mang tính chất biểu tượng. Chúng ta có thể chọn 1 trong 2 công trình này làm mô hình thiết kế quà lưu niệm. Món quà này phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, kích thức, chất liệu, giá cả, đặc biệt, hình thức phải sang trọng. Tôi xin lưu ý, sản phẩm này không thể đưa vào sản xuất tại các làng nghề truyền thống, bởi đã là hàng thủ công thì khó sản xuất đại trà và không thể đảm bảo tiêu chuẩn “giống nhau như đúc” được.

Còn các loại quà lưu niệm như đồ thủ công mỹ nghệ hay ẩm thực, làm thế nào để có thể “móc hầu bao” của du khách, thưa ông?

- Hà Nội có rất nhiều làng nghề như: Lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuôn Ngọ, nón Chuông… nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Bởi lẽ, mỗi làng nghề có quá nhiều mẫu sản phẩm khiến khách không biết chọn cái nào. Chất lượng các sản phẩm cũng không được kiểm soát chặt, cùng một làng nghề, mỗi cửa hàng lại bán giá khác nhau. Vậy thì mỗi làng nghề cũng cần có những mẫu quà lưu niệm mang tính chất biểu trưng. Chẳng hạn, Bát Tràng phải có mẫu đạt chuẩn của làng nghề, có thể chia ra thành các loại: Mẫu tiêu chuẩn, mẫu theo yêu cầu của du khách và mẫu khách được tham gia vào một trong các công đoạn. Đồng thời, phải có sự kiểm soát chất lượng của các sản phẩm này để tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Hay những đặc sản ẩm thực của Hà Nội như: ô mai, cốm Vòng, chè sen... hoàn toàn có thể nâng tầm văn hóa bằng cách thổi vào đó những câu chuyện ý nghĩa. Chắc chắn khi đã cảm nhận được sự tinh tế trong ẩm thực, du khách sẽ mua về cho người thân, bạn bè thưởng thức.

Xin cảm ơn ông!
Hồng Hạnh thực hiện