[Mỏi mòn chờ nhận tiền hỗ trợ Covid-19] Bài 1: Chuyện những người đàn ông đi "vay nóng" nhận tro cốt vợ

DUY CHÍ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Họ là những người đàn ông quê miền Tây lên Bình Dương kiếm kế sinh nhai. Mỗi người một nghề, một hoàn cảnh, họ không có điểm chung cho đến khi dịch bệnh Covid-19 ập đến và cướp đi "nửa kia" của đời mình... Chi phí nhận tro cốt người thân lên đến 20 triệu đồng. Không đủ tiền, có người đã phải đi "vay nóng" để sớm nhận tro cốt người thân, rồi mỏi mòn chờ nhận tiền hỗ trợ Covid-19 sẽ trả lại...!

"Vay nóng" với lãi suất 20%/tháng

Trong khu nhà trọ trên đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, ai cũng biết và thương cho hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn, chị Lê Thị Duyên. Đưa cả gia đình từ miền Tây lên Bình Dương kiếm kế sinh nhai, anh làm nghề chạy xe ôm công nghệ (grab bike), chị bươn bả ngược xuôi vừa phụ chồng "nuôi đủ" 2 con với 1 cháu ngoại, vừa lo việc nội trợ chăm sóc gia đình...
Khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng tại Bình Dương, vợ và con gái anh Tuấn không may nhiễm virus SARS-CoV-2 và được đưa đi cách ly tập trung vào giữa tháng 9/2021, tại khu cách ly Công viên Thanh Lễ (TP Thủ Dầu Một).
Theo lời anh Tuấn, chỉ sau mấy ngày được đưa vào khu cách ly tập trung, chị Duyên trở nặng. Không gặp được vợ, nhưng anh biết, chị Duyên được đưa đến Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Phú Chánh (thuộc Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bình Dương - PV). Đó cũng là những gì anh được biết về vợ của mình trước khi nhận thông tin chị đã qua đời... Theo giấy báo tử của bệnh viện, chị Duyên đã tử vong vào lúc 15 giờ 45 phút ngày 8/10/2021, sau 13 ngày điều trị.
Cố kìm nén cảm xúc, anh Tuấn cho biết, từ ngày chị Duyên được chuyển đến bệnh viện điều trị Covid-19 cho đến khi qua đời, gia đình anh không liên lạc được với chị. Do lúc được đưa đi cách ly, chị Duyên cũng không mang theo điện thoại...
"Đến khi cơ sở mai táng mang giấy báo tử cùng với yêu cầu thanh toán chi phí mai táng đến nhà trọ thì gia đình chúng tôi mới biết là bà ấy đã qua đời.... Họ nói chi phí mai táng hết 17 triệu đồng. Có đủ tiền thì cơ sở mang tro cốt về tận nhà để gia đình làm đám ma. Không đủ tiền thì tro cốt tạm thời được giữ lại tại nơi hỏa táng. Khi nào có tiền thì đến trình giấy tờ rồi nhận tro cốt về...” - anh Tuấn nghẹn ngào thuật lại.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn đã phải ''vay nóng'' 20 triệu đồng để nhận tro cốt vợ về thờ tại phòng trọ. Anh và gia đình vẫn mỏi mòn chờ nhận tiền hỗ trợ tử vong vì Covid-19 để trả lại người cho vay (Ảnh: Duy Chí).
Thương vợ, đau xót trước cảnh chị ra đi mà không được nhìn mặt người thân lần cuối, không được làm đám tang như thông thường mà phải chịu cảnh cô độc, quạnh hiu... nóng lòng muốn sớm được nhận tro cốt vợ về lập bàn thờ... anh Tuấn đã phải hỏi vay tiền “nóng” với lãi suất lên đến... 20%/tháng, với niềm tin sẽ sớm nhận được tiền hỗ trợ rồi trả lại người vay vì thu nhập của ba cha con chỉ đủ ăn qua ngày, nuôi cháu ngoại cộng với tiền nhà trọ.
"Nào ngờ, khi lên phường, ông Nguyễn Ngọc Vũ, cán bộ phụ trách trả lời là "hộ khẩu ở quê thì về quê mà lãnh". Ở đây, theo chỉ đạo của Chủ tịch phường, chúng tôi chỉ giải quyết hồ sơ cho người có hộ khẩu thường trú. Cán bộ phường nói vậy, giờ gia đình chúng tôi không biết phải làm sao với gánh nặng nợ nần” - anh Tuấn nghẹn lời.
Mượn người thân mỗi người một ít
Chuyện của anh Nguyễn Thanh Tuấn là một điển hình, nhưng không phải duy nhất tại phường Phú Hoà, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, cùng hoàn cảnh với anh Tuấn còn có gia đình anh Tô Văn Nam (sinh năm 1979, quê Cà Mau), làm nghề thợ hồ.
Được biết, gia đình anh Nam có 4 nhân khẩu gồm hai vợ chồng và hai đứa con, ở trọ tại hẻm 614, đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Vợ anh Nam là chị Nguyễn Thị Khen, sinh năm 1979, bị nhiễm Covid-19, tử vong cùng thời điểm dịch bùng phát ở Bình Dương.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nam cho biết, do nghề phụ hồ lúc này rất bấp bênh, bữa được bữa không, cộng thêm chi phí nhà trọ, ăn uống hàng ngày thì sẽ không kham nổi nên anh đã không dám "vay nóng" tiền để nhận tro cốt vợ. "Cực chẳng đã, cha con tôi chia ra hỏi mượn tiền người thân, mỗi người một ít. Tổng chi phí nhận tro cốt lên trên 20 triệu đồng gồm: Mai táng, hỏa táng, xe cộ lên xuống…” - anh Nam chia sẻ.
Cơ sở mai táng thông báo gia đình có người tử vong vì Covid-19 đủ tiền thì bàn giao tro cốt tại nhà. Chưa đủ tiền thì tro cốt tạm thời được lưu giữ tại nơi mai táng (Ảnh nhân vật cung cấp).

Về khoản tiền hỗ trợ do có người thân chết vì Covid-19, anh Nam cho biết: Tôi đã mang đầy đủ hồ sơ lên phường Phú Hòa để làm thủ tục nhận trợ cấp tử vong do Covid-19. Nhưng cán bộ phụ trách trả lời rất mơ hồ là "về quê nơi đăng ký hộ khẩu làm thủ tục". Tôi đã gọi điện thoại đường dây nóng 0274-1022 thì tổng đài hướng dẫn liên hệ với phường và cho số điện thoại Chủ tịch UBND phường. Tôi gọi đến Chủ tịch UBND phường thì cũng được trả lời là "nộp hồ sơ tại phòng tư pháp hộ tịch".

"Hồ sơ nộp lâu rồi mà chờ hoài không thấy ai nói gì đến mình. Tôi định cuối tuần sẽ đưa tro cốt vợ về quê chôn cất, rồi quay lại Bình Dương đi làm tiếp, khi nào nhận được tiền trợ cấp sẽ trả nợ người thân, nếu có dư thì xây cho bà ấy nấm mồ...” - anh Nam nghẹn ngào.

Cùng hoàn cảnh với gia đình anh Tuấn, anh Nam còn có vợ chồng ông Hai "thợ hồ" cùng ở chung khu trọ.

Theo lời kể của anh Nguyễn Thanh Tuấn, lúc dịch bùng phát, ông Hai "thợ hồ" bị nhiễm Covid-19 và được đưa đi cách ly. Lúc này, cư dân trong xóm trọ ai cũng lo sợ, cửa phòng đóng kín, không phòng nào liên hệ với phòng nào để phòng dịch... Đến khi Bình Dương trở lại bình thường mới mọi người mới hay ông Hai đã qua đời.

"Một mình buồn tủi, không làm gì ra tiền, chờ nhận trợ cấp lâu quá, không có gì để sống, bà Hai đã ôm tro cốt chồng về quê trong thầm lặng...!" - anh Tuấn cho biết.

(Còn nữa...)