Tràn lan túi nilon, đồ nhựa dùng một lầnHiện nay, với những các sản phẩm nhựa dùng một lần như cốc, dĩa, thìa, hộp xốp, túi nilon, người dân có thể gặp bất cứ đâu, ở hàng nước, hàng chè, các quán cơm bình dân hoặc có thể tự mua trong siêu thị với giá rất rẻ. Hàng nghìn cốc nước mía, trà sữa hay cốc chè được bán ra mỗi ngày cũng là chừng ấy những chiếc cốc nhựa, ống hút và túi nilon bị vứt ra ngoài môi trường.
Việc sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa đối với người dân đang trở thành thói quen khó bỏ bởi tính tiện dụng mà ít ai quan tâm đến tác hại của nó. Ngoài ảnh hưởng đến môi trường như làm suy kiệt dinh dưỡng trong đất, tàn phá hệ sinh thái, gây ngập úng ở các đô thị, hủy hoại sinh thái biển và sinh thái sông hồ... túi nilon và rác thải nhựa còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và bệnh ung thư.
Người dân không nên sử dụng hộp nhựa đựng thức ăn bởi chúng chứa nhiều loại hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, nếu đựng thực phẩm nóng ở nhiệt độ 100oC, hàm lượng monostyren (một loại chất độc) trong nhựa sẽ được giải phóng, ngấm vào thức ăn, gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội |
Thống kê cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.
Theo khảo sát của PV, tại Hà Nội, những quán cơm bình dân, cháo dinh dưỡng, thức ăn đường phố, siêu thị… tiêu thụ lượng lớn cốc, dĩa, thìa nhựa, hộp xốp, túi nilon mỗi ngày.
Chị Nguyễn Thị Hà - chủ một quán cơm bình dân trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy) cho biết, việc sử dụng những vật dụng nhựa đựng thực phẩm, túi nilon vừa tiện vừa tiết kiệm. “Bây giờ, các quán ăn không có đồ nhựa, túi nilon thì không thể đựng vào cái khác được. Thứ gì cũng phải bỏ vào túi nilon, rất thuận tiện với công việc hàng ngày của chúng tôi, dù biết có hại cho sức khỏe và môi trường nhưng khó có vật dụng khác thay thế” - chị Hà chia sẻ.
Trên thực tế, người tiêu dùng ở TP, khu đô thị đã quen việc sử dụng cốc nhựa dùng một lần. Lý giải về điều này, chị Đàm Thị Thúy (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, cốc nhựa dùng một lần có tính năng nhẹ, bền, tiện vận chuyển. “Do công việc bận rộn nên nhiều khi tôi vẫn hay mua cháo dinh dưỡng cho con đựng bằng cốc nhựa. Nếu không dùng, mỗi lần phải mang bát, cốc sứ, thủy tinh đi rất bất tiện".
Nhiều mối nguy hạiĐề cập đến vấn đề sử dụng đồ nhựa, GS Vande Voort - Đại học California, Mỹ, cảnh báo, mặc dù, các hóa chất như BPA (có tác dụng làm cứng nhựa) và nitrat (thành phần giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn) là một phần của cuộc sống hàng ngày trong nhiều thập kỷ nhưng các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng những chất này không an toàn, có khả năng gây ung thư, tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Thêm vào đó, BPA có thể dẫn đến sẩy thai và gây khó thụ thai cho phụ nữ. Nghiên cứu cũng cho thấy các chất độc được tìm thấy trong nhựa có thể gây dị tật bẩm sinh và các vấn đề phát triển ở trẻ em.
Nhiều chuyên gia cũng thừa nhận rằng, việc tránh sử dụng các hóa chất này có thể khó khăn nhất là với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Các đồ dùng không chứa độc tố như hộp đựng thực phẩm bằng thép hoặc chai thủy tinh tái sử dụng thường có giá cả cao hơn. Thực phẩm tươi sống, hữu cơ không chứa chất bảo quản cũng đắt tiền hơn.
Nhằm thực hiện việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, cần sự phối hợp từ nhiều phía, từ cơ quan chức năng và cả ý thức của người tiêu dùng. Trong đó, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm phải tuyên truyền, cảnh báo đến người dân việc sử dụng các loại bao bì nhựa là vô cùng nguy hại. Sự vào cuộc của mỗi người dân có ý nghĩa tích cực trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng, giữ gìn môi trường sống.
TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc chọn lựa sử dụng bao bì nhựa dẻo vì có thể dùng nhầm loại không thích hợp, tái sử dụng loại dùng một lần, hoặc dùng loại chứa các dẫn chất phtalat hay BPA gây độc hại. Do vậy, tốt nhất là người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường như thay thế chai nhựa bằng chai thủy tinh, ống hút nhựa bằng ống hút tre, túi nhựa bằng túi giấy…