Mối nguy lây lan dịch bệnh vẫn còn

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những bãi biển đông nghẹt người và hầu hết đều không đeo khẩu trang, bất chấp việc chính quyền địa phương chưa cho phép mở cửa; những “quán cóc” trở thành nơi túm tụm của nhiều người mặc kệ những khuyến cáo… Đó là hình ảnh đang xảy ra ở nhiều nơi khi cả nước bắt đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Có thể thấy rằng, sự chủ quan, lơi lỏng, không còn “sợ” dịch bệnh đã xuất hiện ở không ít người dân.

 Người dân Vũng Tàu vẫn đi tắm biển mặc dù có khuyến cáo không nên tắm từ các cơ quan chức năng. Ảnh: Lương Trần Thùy Dương
Thời hạn phong tỏa, cách ly xã hội chấm dứt, hàng triệu người vui mừng. Do quá chán khi phải ở nhà, phần do mối lo cơm gạo trước mắt nên việc hàng quán nhanh chóng bung ra, người dân nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường âu cũng là điều tất yếu. Đáng mừng là tâm lý phòng dịch vẫn được duy trì tốt ở phần lớn người dân. Nhiều cửa hàng đã có những cách làm sáng tạo để thích ứng với thời kỳ “chống dịch lâu dài trong an toàn” như lắp các tấm kính, nhựa để ngăn giọt bắn; kẻ sẵn vạch vôi giữa người bán và mua để bảo đảm giãn cách… Ngay tại các điểm dừng đèn đỏ, người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông thay vì dồn lại, cũng tự ý thức giãn cách xa nhau.
Nhưng ngược lại, một bộ phận không nhỏ người dân lại có vẻ chủ quan, coi đại dịch Covid-19 đã qua nên đã không đeo khẩu trang, tập trung đông người, không giãn cách đúng cự ly... Không ít quán nước chè vỉa hè dù chưa được phép mở cũng đã trở lại với không ít người ngồi túm tụm chuyện trò không khẩu trang; những bãi biển đông nghẹt người mặc kệ tiếng loa kêu gọi không tụ tập.
Nhìn những hình ảnh ấy, chính người dân cũng thấy lo ngại. Bởi thông tin được phát đi cho thấy, trên thế giới mỗi ngày có khoảng trên 50.000 người nhiễm bệnh mới, 5.000 người tử vong và nhiều nơi tưởng chừng dịch đã kiểm soát được nhưng bùng phát trở lại. Hơn nữa, virus biến ảo, có rất nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng. Rồi nhiều người có thời gian ủ bệnh rất dài hay tình trạng dương tính trở lại. Điều đó cho thấy, rủi ro vẫn cao, có thể trong xã hội vẫn có người mang mầm bệnh.
Bởi vậy, dù vui mừng đến cỡ nào, tất cả chúng ta vẫn cần phải nhớ rằng hết cách ly, không có nghĩa là dịch đã chấm dứt. Sự lây lan của virus vẫn đang xảy ra, nghĩa là mối nguy vẫn còn. Chính các chuyên gia cũng đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra “làn sóng thứ hai” liên quan đến lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam. Việc nới lỏng giãn cách xã hội không có nghĩa là cuộc sống và sinh hoạt của người dân đã quay trở lại bình thường, mà là thực hiện chặt chẽ để từng bước tiến tới trở lại bình thường theo đúng chỉ thị của Chính phủ.
Cùng với việc chính quyền duy trì nghiêm việc tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt nặng các trường hợp vi phạm, mỗi người dân phải biết nhắc nhau để tiếp tục thực hiện tốt các hướng dẫn, chỉ đạo mới có thể tránh được những nguy cơ không thể biết trước. “Không lơ là, chủ quan” vẫn là “từ khóa” mọi người cần tự giác tuân thủ trong thời điểm hiện nay.