Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi quý có thêm gần 25.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu thanh niên theo đuổi các nghề hàn lâm thì càng lên cao số lượng người thất nghiệp càng nhiều.

Trung bình mỗi quý có thêm gần 25.000 người tốt nghiệp đại học và sau đại học thất nghiệp. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2015”, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức chiều nay tại Hà Nội.

Những điểm đáng lưu ý trong bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2015 là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao với hơn 76%, số người có việc làm tăng hơn 600 nghìn người so với quý trước, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tăng mạnh, đạt hơn 40%.

 
Hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2015
Hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2015
Chuyển dịch cơ cấu lao động rõ nét hơn khi số người có việc làm tăng mạnh ở các nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo, sửa chữa máy móc, sản xuất, phân phối điện, khai khoáng, bán buôn bán lẻ…, giảm ở các ngành nông – lâm – ngư nghiệp, kinh doanh bất động sản. Thu nhập bình quân hàng tháng của lao động làm công hưởng lương tăng gần 150 nghìn đồng/ người so với quý 2/2015. Đến hết quý 3 năm nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng khoảng 3,7% so với đầu năm.

Bản tin cập nhật thị trường lao động cho thấy những con số đáng lo ngại như tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức cao là 7,3%, gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động qua đào tạo tăng lên, tăng cao nhất là ở nhóm lao động đã qua đào tạo đại học và sau đại học.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, mỗi quý có thêm khoảng 22.000-25.000 người tốt nghiệp đại học và sau đại học thất nghiệp. Nếu thanh niên theo đuổi các nghề hàn lâm thì càng lên cao số lượng người thất nghiệp càng nhiều.

Còn nếu theo đuổi học nghề thì khi đạt đến trình độ nào đó thì số người thất nghiệp sẽ ít đi rất nhiều. Đây là điều đáng cảnh báo trong việc lựa chọn ngành nghề, bậc học để học. Đây cũng là một hình thức để có thể thay đổi tư tưởng trọng bằng cấp, chuyển hướng đào tạo để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động./.