Môi trường kinh doanh chưa trật tự và công bằng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình tái cơ cấu kinh tế nước ta có tiến bộ gia nhập thị trường, nhưng vẫn chưa có môi trường kinh doanh cạnh tranh trật tự và công bằng.

Nhìn lại 4 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề lớn.

‘Tư duy quản lý nhà nước còn sợ thị trường’

Ông Cung chỉ rõ những tồn tại như: số lượng kinh doanh có điều kiện còn quá lớn (267 điều kiện); rào cản gia nhập các loại thị trường này còn cao và tốn kém; hạn chế, thậm chí ngăn cản cạnh tranh. Giao dịch kinh doanh (với nhà nước và với đối tác) còn rủi ro về thể chế; tốn kém thời gian và chi phí cao; méo mó và không công bằng; quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các bên chưa được bảo vệ đầy đủ và tin cậy…
Môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế (Ảnh minh họa: KT)
Môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế (Ảnh minh họa: KT)
Giải thích thêm về điểm này, theo ông Cung, chỉ cần thay đổi chính sách là có thể khiến tài sản đang là tốt trở thành xấu. Tài sản của doanh nghiệp có thể bị giảm mạnh cả trăm tỷ đồng chỉ sau động thái thay đổi chính sách.

Đồng thời, hạn chế nữa là chưa có thiết chế và công cụ đảm bảo thiết lập và duy trì cạnh tranh trật tự và công bằng.

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo ông Cung, do thiếu một chính sách toàn diện về cạnh tranh; tư duy quản lý nhà nước còn sợ thị trường; coi nhẹ cạnh tranh công bằng; không nhận thức được cạnh tranh công bằng là cốt lõi của kinh tế thị trường, là động lực đối với doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, còn quá nhấn mạnh đến can thiệp của nhà nước; nhà nước đang thực hiện sai lệch nhiều chức năng. Hệ quả là về phía thị trường rất thiếu thị trường, lại thừa thị trường ở phía nhà nước. Chẳng hạn, việc lực lượng đi đóng dấu kiểm dịch, lẽ ra phải bỏ tiền nhà nước ra để làm việc này thì thực tế lại đóng dầu thì thu tiền của người dân. Vì thế, mục tiêu đi đóng dấu kiểm dịch có khi để thu tiền nhiều hơn để kiểm dịch.

Nhìn chung, theo ông Cung, đến nay thực trạng môi trường kinh doanh nước ta là “điều phối thị trường chưa chiếm ưu thế; còn giằng co giữa tập trung, hành chính quan liêu và thị trường; trong phân bố các yếu tố sản xuất, hành chính phân bố hoặc điều hành đang chiếm ưu thế; làm méo các thị trường khác”.

Nên coi thách thức là cơ hội

Đối với tương lai môi trường kinh doanh, ông Cung cho hay, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) là tất yếu, không có con đường khác. Hội nhập tạo cơ hội đa dạng hóa phương thức sản xuất, nhưng vấn đề đặt ra là cần có thể chế đủ linh hoạt để nhập, hiện thực hóa tất cả các sáng kiến, ý tưởng kinh doanh.

Các FTA là kỳ vọng được không ít người chờ đợi, nhất là trên lĩnh vực cải cách doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công liên quan đến quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, minh bạch hóa, cải cách hành chính và thuận lợi hóa thương mại… Nhưng theo đánh giá của Viện trưởng CIEM, thực tế gây không ít thất vọng, vì: không thấy có áp lực trực tiếp từ các FTAs này tạo ra, vì còn quá chung chung, không có những yêu cầu hay nội dung cụ thể liên quan đến cải cách thể chế trong nước, trừ quyền tự do lập hội của người lao động. Hay như về “doanh nghiệp nhà nước thì chỉ nhấn mạnh đến bình đẳng của các nước thành viên TPP, chứ bất bình đẳng, đặc quyền gì đó của DNNN với doanh nghiệp tư nhân trong nước, thì về cơ bản, không có trong các nội dung tương ứng của Hiệp định”-ông Cung nhấn mạnh.

Quan điểm của ông Cung là “chúng ta cần tư duy theo hướng thách thức là cơ hội”. Chẳng hạn, áp lực hội nhập đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi, sẽ khiến ngành này trước các cơ hội để “lột xác” và thay đổi. Bởi vì hiện nay sản xuất manh mún theo hộ gia đình, quy mô nhỏ, không có quy trình sản xuất thống nhất, năng suất thấp, không kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng không đồng đều; không vượt qua được hàng rào kỹ thuật…

Vì thế, khi hội nhập, ngành này cơ bản sẽ phải thay đổi cách thức sản xuất, thành tổ chức sản xuất lớn, quy mô và tính chất công nghiệp…. hình thành chuỗi sản xuất nông sản. Nhưng muốn thế, “phải có thay đổi thể chế, tập trung và tích tụ được ruộng đất, bảo vệ tài sản và an toàn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn để nông dân tham gia hưởng lợi từ quá trình thay đổi”. 

Đến thời điểm này, ông Cung lạc quan rằng, “không nên bi quan, tuy đã dồn vào chân tường, nhưng đã có thực tiễn tốt như xuất khẩu thủy sản, bò sữa TH true milk, Vinamilk, cánh đồng mẫu lớn… Còn lại là “không chỉ kêu ca, phàn nàn mà quan trọng hơn là hợp lực cùng hành động đổi mới toàn diện sản xuất nông nghiệp, bắt đầu từ cơ quan nhà nước trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu và nông dân…”- ông Cung khuyến nghị.

 
“Các FTA nói chung và TPP nói riêng về bản chất là tự do kinh doanh hơn, thuận lợi kinh doanh hơn, bảo vệ tốt hơn tài sản, quyền và lợi ích của các nhà đầu tư, cạnh tranh bình đẳng, đối xử bình đẳng… Tức là kinh tế thị trường ngày càng tự do hơn, trật tự và bao dung hơn. Vậy, hội nhập trước hết phải đổi mới tư duy, phải tiến cùng thời đại, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, thị trường, thị trường và thị trường nhiều hơn, cạnh tranh công bằng hơn. Có như vậy nền kinh tế nước ta mới hội nhập thực sự, chứ không phải bị cuốn theo xu thế hội nhập”- TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM.