Môi trường kinh doanh tại nhiều địa phương: Trên trải thảm, dưới vẫn rải đinh

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” vẫn chậm chuyển biến, đó là phản ánh của nhiều đại diện hiệp hội DN về môi trường kinh doanh ở không ít địa phương hiện nay.

Tại Hội nghị giao ban các hiệp hội DN và DN phía Bắc - Kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN diễn ra ngày 6/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ DN đã mang lại những kết quả đột phá, vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã cải thiện rõ rệt so với trước đây. Đồng quan điểm, ông Mai Đình Mạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật điện Việt Nam đánh giá, trong một năm qua, khi Nghị quyết 35 được thực hiện, DN có “dễ thở” hơn, nhất là trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn.

 Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, đại diện nhiều hiệp hội cũng thẳng thắn chỉ ra, đây đó ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, cản trở, gây khó dễ cho DN. Ông Đệ cho rằng, tư tưởng không muốn đổi mới đã bám rễ quá sâu ở nhiều cán bộ, lãnh đạo địa phương. Để hỗ trợ được DN, tháo gỡ được khó khăn cho DN thì cán bộ, lãnh đạo phải gần dân, gần DN, nhưng đoàn DN của ông đã từng phải mất 3 ngày tại một địa phương để gặp bằng được lãnh đạo cơ quan chức năng, bởi lần nào xin vào gặp lãnh đạo cũng bận! Ông Đệ kiến nghị: “Cần xem xét lại đội ngũ giúp việc, vì hiện giờ có cả bộ phận đi lọc tin tức gửi lên, kiến nghị bằng văn bản mà bất lợi là không đến được tay người cao nhất, cứ như vậy sao lãnh đạo biết mà giải quyết? Do đó, lãnh đạo cấp cao cũng cần công bố số điện thoại nóng để lắng nghe ý kiến người dân, DN”.

Theo chia sẻ của đại diện Hiệp hội DN tỉnh Phú Thọ, DN muốn được “dễ thở” thì phải “lót tay”, chịu chi phí không chính thức. Vấn đề này, các DN cho rằng, từ Chính phủ đến địa phương cần xây dựng bộ máy giúp việc có tâm sáng, có năng lực, khi cần phải có chế tài xử lý vi phạm để chấn chỉnh, thanh lọc cán bộ. Nếu làm được vậy thì không cần nghị quyết, DN vẫn phát triển tốt.

Còn theo đại diện cộng đồng DN tỉnh Tuyên Quang, để cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, các địa phương nên thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh nhằm tạo sự minh bạch; Nâng cao năng lực chuyên môn, thái độ cho đội ngũ công chức, viên chức, theo tinh thần hỗ trợ DN; Rõ người, rõ việc, rõ năng lực, rõ hiệu quả.

Nhìn lại một năm qua, đại diện các hiệp hội DN đánh giá Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để tạo môi trường an toàn, thuận lợi, tiết giảm chi phí cho DN, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, hạn chế tối đa thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn dày đặc gây phiền toái cho DN, đồng thời chưa loại bỏ được chi phí không chính thức cho DN.

Nghị quyết số 35 của Chính phủ đặt ra mục tiêu chính là đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động hiệu quả. Để mục tiêu này thực sự thành hiện thực thì các địa phương phải hành động cụ thể, quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN, thường xuyên lắng nghe ý kiến từ DN để nhanh chóng tháo gỡ cho DN.

DN vẫn phải chờ bộ máy giúp việc của các cơ quan, nhiều khi chậm trễ gây thiệt hại cho DN. Chậm cải cách hành chính là một trong những nguyên nhân khiến không ít DN nản lòng không muốn thành lập mới, không muốn mở rộng kinh doanh.

Ông Nguyễn Xuân Dương

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần