Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Môi trường thông thoáng là lực hút đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là tinh thần chung mà phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận được trước thềm Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác, Đầu tư và Phát triển”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án 300 triệu USD của Samsung tại Hà Nội vào ngày 30/3/2016.	Ảnh: Khánh Chi
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án 300 triệu USD của Samsung tại Hà Nội vào ngày 30/3/2016. Ảnh: Khánh Chi
Các DN cho rằng, muốn kinh tế phát triển bền vững thì luật pháp, hay cơ chế chính sách phải đồng bộ, ổn định, công bằng, không vì lợi ích nhóm... Khi có được môi trường kinh doanh thông thoáng thì lực hút đầu tư sẽ mạnh mẽ hơn.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Mạc Quốc Anh:

Tạo đà để doanh nghiệp dân doanh phát triển

Môi trường thông thoáng là lực hút đầu tư - Ảnh 1Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó DN dân doanh chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số DN đang hoạt động, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, các DN này rất dễ bị tổn thương khi có biến động của nền kinh tế, đặc biệt sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Do đó, DNNVV rất cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh.

Xuất phát từ thực tế và mong muốn của các DN, với tư cách là đại diện Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội, tôi mong muốn gửi đến Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác, Đầu tư và Phát triển” một số kiến nghị nhằm đưa hoạt động hỗ trợ DN cụ thể và thực chất hơn: Trước hết, dù đã nói và ban hành nhiều chính sách mới nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sự thông thoáng cho DN phát triển nhưng thực chất khi làm vẫn vướng, nên cần phải quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, các DN mong phổ biến rộng rãi qua nhiều kênh các Thông tư, Nghị định về hỗ trợ DNVVN như các Quỹ phát triển DNNVV, Phát triển KHCN… Điều này không chỉ để DN thấy được sự quan tâm mà còn giúp tăng cường quản lý của Nhà nước trong việc đồng hành cùng DN

Đối với các cơ quan xúc tiến thương mại cũng nên tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội để cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước, các chương trình XTTM kịp thời đến với DN; Tăng cường đào tạo cho DNNVV các chương trình về KHCN, truyền thông, quản lý…

Đối với các DNNVV, cần sớm hình thành ý thức nếu muốn tăng sức cạnh tranh phải xây dựng cho mình chiến lược trong môi trường cạnh tranh toàn cầu không chỉ về chất lượng mà còn phải tính đến giá cả và tốc độ. Do vậy cần có các chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV như: Sáng tạo ra các giá trị cao, độc đáo, chú trọng hơn nữa về dịch vụ, có một tầm nhìn dài hạn về sự phát triển, tìm những phân khúc thị trường phù hợp, cạnh tranh về tốc độ, thu hút nguồn lực cho sự phát triển thông qua liên minh chiến lược…

Trong điều kiện tư duy hệ thống mở, networking và liên minh chiến lược luôn là một việc làm quan trọng. Việc liên minh, hợp tác, hình thành các dạng hợp tác, liên doanh, liên kết khác nhau để hỗ trợ, giúp đỡ cũng như bù đắp những mặt mạnh, mặt yếu của nhau là cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của các DNNVV. Khi tiến hành liên minh chiến lược, các DNNVV cần hiểu rõ “thuyết về nguồn lực tối thiểu”: Để tối đa hóa lợi ích của mình, các “ông nhỏ” nên gắn với nhau thay vì chơi với “ông lớn” vì lợi ích thu được sẽ được phân chia theo nguồn lực đóng góp.

Bên cạnh đó, DNNVV cần tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội mà công nghệ hiện đại (Internet, vận tải, bưu điện…) mang lại. Cụ thể là thông qua thương mại điện tử, các DN nhỏ vẫn có thể tiếp cận được thị trường, kể cả ở những nơi xa xôi nhất.

Một kiến nghị nữa mà cộng đồng DNNVV Hà Nội muốn đề cập đến đó là ngoài kinh phí của các DN thành viên đóng góp, rất mong TP có cơ chế đặc thù để các hiệp hội có kinh phí trong các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết DN, tuyên truyền xây dựng thương hiệu… giúp mang lại hiệu quả thật sự. Từ đó, các DN, nhất là DN dân doanh có thể liên kết tạo ra chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Hiện nay, TP Hà Nội có rất nhiều chương trình liên quan đến sản phẩm hàng hóa, thương hiệu, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư… với tư cách là một bộ phận quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô, DN dân doanh cũng cần được hưởng các ưu đãi này.
Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Tham tán kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam John Hill:

Cộng đồng DN Mỹ mong muốn là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam

Môi trường thông thoáng là lực hút đầu tư - Ảnh 2DN Mỹ mong muốn có môi trường kinh doanh an ninh, an toàn, bình đẳng. Bên cạnh đó, phía Mỹ mong muốn Việt Nam có lực lượng lao động chất lượng cao để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu; Cơ sở hạ tầng được cải thiện hơn. Sự hợp tác này được dựa trên hai chữ: Đối tác. Bởi thực tế cho thấy, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư Mỹ. Càng ngày càng có nhiều các DN Mỹ muốn Việt Nam trở thành điểm đến để sản xuất và phân phối. Với tất cả điều đó, Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu số một và mong muốn trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam.
Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn:

Thu hút đầu tư của Hà Nội phải là chất lượng và công nghệ

Môi trường thông thoáng là lực hút đầu tư - Ảnh 3TP Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng thông qua nhiều biện pháp, nhất là tạo chuyển biến trong công tác quản lý và cải cách thủ tục hành chính. Mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài  của Hà Nội cũng được đặt ra là thu hút dự án có chất lượng cao, với "mẫu số chung" là có công nghệ, nhất là công nghệ nguồn hiện đại, làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhưng không cần nhiều diện tích mặt bằng. Đây là đặc điểm nổi bật, phân biệt Hà Nội với hầu hết địa phương khác. Do đó, khi chính quyền TP tập trung đổi mới, tạo ra sự chuyển biến tương xứng sự mong đợi của nhà đầu tư thì kết quả diễn ra tỷ lệ thuận là đương nhiên. Các nhà đầu tư đã có thể cảm thấy "sức nóng" lan tỏa từ TP xuống đến các sở, ngành chức năng một cách liên tục.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ Chu Đức Lượng:

Sẽ tạo ra cơ hội mới

Môi trường thông thoáng là lực hút đầu tư - Ảnh 4Thời gian qua, TP Hà Nội đã làm rất nhiều cuộc xúc tiến, hội nghị để kết nối DN và đây là một bước chuyển mới của TP. Điều đó thể hiện, lãnh đạo TP đã quan tâm tới sự phát triển chung của cộng đồng, trong đó có các DN. Thông điệp của TP về việc cởi mở các thủ tục để chào mời đầu tư giúp các DN đón nhận thêm thông tin về chính sách từ TP để định vị lại DN mình cũng như định hướng phát triển trong tương lai. Điều này rất có ích cho các DN quan tâm tới hội nhập quốc tế, trong khu vực cũng như TPP.

Hiện nay, TP đang làm 2 việc mà DN và người dân đang rất cần và quan tâm: Thứ nhất, những người đứng đầu TP đưa ra thông điệp cải cách thủ tục hành chính, làm sao rút ngắn thủ tục để giải phóng sức lao động cho DN cũng như cộng đồng doanh dân. Thứ hai, Chủ tịch UBND TP với thông điệp cởi mở và tạo điều kiện cho DN, sẵn sàng lắng nghe khiến các DN tự tin đón nhận cơ hội khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, TP chỉ hoạch định vĩ mô, tạo hành lang để DN hoạt động còn phía DN cần tự vận động. Sản xuất gì, sản xuất như thế nào, nỗ lực, định hướng phát triển, tự vận động điều chỉnh mình để thích ứng cao nhất, tạo sự liên kết cùng phát triển. Thực tế cho thấy, làm sao để các cuộc xúc tiến thương mại, đầu tư, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước biến thành hành động cụ thể, để các DN kết nối và hỗ trợ tìm kiếm được bạn hàng… là điều quan trọng không chỉ đối với DN mà còn tác động đến cả nền kinh tế nói chung. Hy vọng, Hội nghị lần này sẽ mở ra một cơ hội mới cho các DN.

Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Han Myoung Sup:

Samsung đặt chiến lược đầu tư dài hạn vào Việt Nam và Hà Nội

Môi trường thông thoáng là lực hút đầu tư - Ảnh 5Trong chiến lược trung và dài hạn, Samsung luôn xác định Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng là trọng tâm đầu tư ưu tiên trong khu vực Đông Nam Á. Samsung ghi nhận và cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam nói chung và của TP Hà Nội nói riêng trong các hoạt động đầu tư tại Việt Nam và Hà Nội. Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Samsung, tôi cam kết sẽ chỉ đạo thúc giục để các dự án đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam và Hà Nội hoàn thành đúng tiến độ, đi vào thực tiễn, thành công, hiệu quả.
Chủ tịch HĐQT VietinBank  Nguyễn Văn Thắng:

Cam kết đảm bảo vốn cho DN trên địa bàn cùng phát triển

Môi trường thông thoáng là lực hút đầu tư - Ảnh 6Hiện nay, VietinBank có 20 chi nhánh với mạng lưới 215 phòng giao dịch hoạt động trải khắp các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Tổng dư nợ cấp tín dụng của VietinBank trên địa bàn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và thị phần được xếp vào Top đầu. Hiện dư nợ trên địa bàn Hà Nội chiếm đến 30% tổng dư nợ toàn Ngân hàng, trong đó dư nợ DN lớn và siêu lớn là hơn 100.000 tỷ đồng, dư nợ DNVVN và DN FDI là hơn 17.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, VietinBank không ngừng nỗ lực, tiếp tục đồng hành cùng DN, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời tất cả nhu cầu về vốn, dịch vụ tài chính ngân hàng cho cộng đồng DN khi DN có phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư hiệu quả, khả thi. VietinBank đã và đang có những hoạt động thiết thực, hiệu quả nhất để tạo động lực, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn TP Hà Nội. VietinBank cũng cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, tập trung ưu tiên lãi suất, tạo điều kiện để cộng đồng DN Thủ đô tiếp cận nguồn vốn đầu tư, vốn vay thực hiện dự án.