Người Tây Ban Nha đều ăn 12 quả nho khi đồng hồ điểm 12 tiếng theo nhịp chuông. Khi hồi chuông đầu tiên của năm mới ngân lên, mọi người dân Tây Ban Nha cùng bỏ quả nho đầu tiên vào miệng. Khá là khó để kịp nhai hay thưởng thức hương vị của nó vì chỉ 2 giây sau là đến hồi chuông thứ hai và quả nho thứ hai. Suốt 12 hồi chuông là “12 quả nho may mắn”. Nếu có thể ăn liên tục 12 quả ở tiếng chuông cuối cùng, bạn sẽ gặp may mắn trong năm mới. Mặc dù không biết chính xác sự ra đời của phong tục này, nhưng nhiều người rằng truyền thống này bắt nguồn từ những năm 80 của thế kỷ 19.
Tầng lớp thượng lưu ở Marid ăn nho và uống sâm panh vào ngày cuối cùng của năm giống người Pháp.Truyền thống này bắt nguồn từ năm 1909, khi những người trồng nho vùng Alicante thực hiện điều này để giải quyết số nho thừa. Sau đó, ý tưởng này lan tới Bồ Đào Nha và các vùng từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha như Venezuela, Cuba, Mexico, Ecuador, và Peru.
Mỗi quả tượng trưng cho một tháng, ví dụ nếu quả thứ 3 hơi chua, điều đó nghĩa là tháng 3 sẽ khá khó khăn. Phần lớn sẽ cố ăn hết 12 quả trước tiếng chuông cuối cùng, nhưng người Peru sẽ thêm quả thứ 13 để đảm bảo may mắn.
Người Thổ Nhĩ Kỳ coi lựu là loại quả đem lại may mắn vì nhiều lý do. Màu đỏ của chúng tượng trưng cho sự sống, sinh sôi nảy nở. Khả năng trị bệnh tượng trưng cho sức khỏe và các hạt tròn thể hiện sự thịnh vượng.
Thay vì việc thưởng thức những bữa tiệc với đầy thịt và rượu… người dân Đan Mạch lại rất xem trọng các loại rau xanh như cải xoăn, cải bắp thảo… Họ quan niệm rằng màu xanh của những loại rau này rất giống màu của tiền nước họ, điều này mang đến sự may mắn, đủ đầy và tài lộc cho một năm mới an khang.
Người Đan Mạch thường chế biến chung các loại rau này với những thực phẩm khác để tạo nên những món ăn tuyệt vời với vị rau thanh mát và bổ dưỡng. Đặc biệt, họ thường ăn rau xanh hấp với đường và quế, đây là món không thể thiếu của người Đan Mạch vào dịp năm mới.Các loại rau như bắp cải, cải lá, cải xoăn và cải cầu vồng là món hay được ăn vào dịp năm mới ở nhiều quốc gia vì lý do đơn giản: lá của chúng giống như những đồng tiền gấp, tượng trưng cho tương lai giàu có.
Ở Italy, người dân thường thưởng thức xúc xích và đậu lăng xanh sau giao thừa. Người dân Đức cũng thường ăn món này vào năm mới, có thể thay đậu lăng bằng súp đậu. Đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu xanh... đều được coi là biểu tượng của tiền bạc. Chúng có hình dạng tương tự đồng xu và nở ra khi được nấu chín, đem lại cho người ăn may mắn về tài chính. Người Brazil thường ăn bữa đầu tiên của năm mới với súp đậu lăng hoặc đậu lăng và cơm.
Ở miền Nam nước Mỹ, người dân thường ăn món Hoppin' John làm từ đậu mắt đen hoặc đậu đũa. Truyền thống này có nguồn gốc từ thời Nội Chiến, khi thị trấn Vicksburg (Mississippi) cạn kiệt lương thực lúc bị tấn công. Các cư dân tìm được đậu mắt đen để sống sót, từ đó loại đậu này được coi là đem lại may mắn.
Lợn sữa quay là món không thể thiếu trong dịp năm mới ở Cuba, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary và Áo. Người Áo trang trí bàn ăn bằng bánh hạnh nhân hình những chú lợn tí hon. Người Thụy Điển ăn chân giò, còn người Đức thưởng thức thịt lợn nướng và xúc xích. Thịt lợn cũng là món thường gặp ở Italy và Mỹ bởi giàu chất béo, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. Truyền thống ăn thịt lợn vào năm mới dựa trên quan niệm rằng lợn tượng trưng cho sự phát triển, do con vật này thường tiến về phía trước khi kiếm ăn.
Người Đan Mạch ăn cá tuyết hấp, trong khi ở Italy, món cá tuyết muối phơi khô được các gia đình làm suốt từ Giáng sinh tới năm mới. Đức và Ba Lan lại có món cá trích muối để có được may mắn.
Món ăn này được cho là đem lại nhiều may mắn vì 3 lý do: vảy của chúng có hình dạng như đồng tiền, chúng đi theo đàn - tượng trưng cho sự thịnh vượng, và chúng bơi về phía trước - tượng trưng cho phát triển.
Bánh và các loại đồ nướng khác thường có mặt trong thực đơn của nhiều quốc gia vào dịp Giáng sinh, năm mới, đặc biệt là các loại có hình tròn hoặc hình vòng. Italy có món chiacchiere làm từ bột mì rán phủ đường.
Ba Lan, Hungary và Hà Lan thường ăn bánh donut. Ngoài ra, Hà Lan còn có olie bollen, một loại bánh nướng hình tròn, với nhân táo, nho khô hoặc lý chua.
Một số nền văn hóa còn có tục lệ giấu một món đồ trang sức hoặc đồng xu trong bánh, ai gặp được sẽ có nhiều may mắn vào năm mới. Ở Hy Lạp, người dân thường làm bánh vasilopita với một đồng xu bên trong. Bánh được cắt vào đêm giao thừa hoặc ăn tráng miệng vào ngày đầu năm.
Đêm giao thừa tại Đức, mỗi nhà thường bày lên trên bàn tiệc một chiếc đĩa có đựng 12 củ hành. Các củ hành được khoét những lỗ nhỏ và rắc muối vào. Mỗi củ hành được đặt tên cho mỗi tháng trong năm. Ở các vùng nông thôn Đông Đức cũ, người dân còn có tục lệ đổ chì nóng lên một cái thìa rồi ném xuống nước, sau đó vớt chì lên, căn cứ theo hình dáng màu chì người ta tiên đoán trong năm làm ăn phát đạt hay thất bại.
Khi đồng hồ điểm 0h đêm giao thừa cũng là lúc mà người dân ở Đức ôm và trao nhau những nụ hôn nồng thắm, chúc nhau năm mới an lành bằng câu nói “Gutes Nue Jahr” hoặc “Happy New Year”. Sau đó, mỗi gia đình quây quần bên nhau trong những bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ món ăn và cùng nhau xem các chương trình truyền hình đặc biệt.
Đêm giao thừa, Người Pháp dùng rượu đón năm mới, từ đêm giao thừa mọi người bắt đầu mở tiệc ăn uống đến 3/1 mới kết thúc. Mâm cỗ Tết khá thịnh soạn và khó thể thiếu hai thứ là quả hồ đào (tượng trưng cho sự tốt lành) và củ hành (gia vị chủ yếu). Người Pháp còn dự báo thời tiết năm mới qua những lát hành trộn muối ngâm dấm.
Ngoài việc ăn 12 quả nho vào thời khắc giao thừa, vào ngày 6/1, theo phong tục, người Mexico sẽ ăn một chiếc bánh được khoét một lỗ nhỏ và đặt vào một món đồ chơi ở trong. Người nào ăn phải phần bánh có món đồ chơi đó phải chuẩn bị một bữa ăn đặc biệt vào ngày 05/02 để thết đãi mọi người. Ngoài ra, trong bữa tiệc cuối năm của người Mexico không thể thiếu đậu đen vì họ coi đậu đen là món ăn dân tộc.