Nhiều chuyên gia cho rằng, dù nhiều tổ hợp mới xuất hiện thì Lịch sử phải là một môn nằm trong đó.
Nên quan niệm lại về khối thi
Chia sẻ quan điểm về các khối thi hiện nay, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam cho rằng: Với sự phát triển kinh tế và hội nhập khu vực cũng như quốc tế, cần xem xét nhu cầu của xã hội, quy định lại các khối cho phù hợp, chứ không nên bảo thủ yêu cầu các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh sử dụng các khối truyền thống A, B, C, D.
Ông Nhĩ phân tích, lực lượng công an ngày nay sử dụng công nghệ hiện đại nên họ cần có kiến thức về công nghệ thông tin (CNTT), Toán học; vì thế phải xem lại cách chia tổ hợp môn phù hợp với sự phát triển của xã hội. “Những người vào học ĐH cần có kiến thức về Toán học, CNTT, kiến thức tự nhiên, xã hội. Điều cơ bản nhất là Bộ GD&ĐT tính toán lại cơ cấu ngành nghề, tổ hợp môn, chứ không để thí sinh đăng ký xét tuyển khối A chỉ thi các môn tự nhiên, còn vào khối C hoàn toàn biết các môn xã hội” – ông Nhĩ bày tỏ.
Cái gốc của vấn đề như ông Nhĩ nói chính là Bộ GD&ĐT quan niệm lại các khối tuyển sinh. Song trước hết, học sinh phải được học kiến thức toàn diện ở bậc phổ thông về tự nhiên, xã hội và ngoại ngữ. Khi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia một cách đầy đủ, mới có nguyên liệu tốt cho trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh vào các ngành đào tạo; để từ đó các trường lựa chọn tổ hợp gồm những môn chuyên sâu tùy theo nhu cầu xã hội. Thiên về tự nhiên cũng tốt, nhưng học sinh muốn trưởng thành và phát triển cần phải hiểu về văn học, lịch sử của Việt Nam và thế giới.
Lịch sử phải là môn cơ bản trong tổ hợp môn
“Môn Lịch sử phải có trong từng tổ hợp xét tuyển sinh. Lịch sử như là môn công cụ của Toán, Ngữ văn. Không những thế, bây giờ mình làm bất cứ ngành nghề nào, cũng phải biết lịch sử cơ bản, còn khi nghiên cứu vào lĩnh vực chuyên sâu, đó lại là chuyện khác” – ông Nhĩ nêu ý kiến. Thế nhưng hiện nay, theo Quy chế tuyển sinh, các trường ĐH được quyết định tổ hợp môn phù hợp với ngành đào tạo. Hơn nữa, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ rất cần, mà tổ hợp chỉ có 3 môn làm sao có thể yêu cầu các trường thêm môn Lịch sử vào được? “Bộ GD&ĐT không nên quan niệm cứng nhắc khối A, B, C, D. Tuyển sinh các trường nhất thiết phải theo khối, ngoài ra còn có những môn cần thiết. Về việc này, hiệu trưởng các trường nhận thấy Lịch sử là môn quan trọng sẽ đưa thêm vào trong từng tổ hợp xét tuyển” – ông Nhĩ gợi ý.
TS Tưởng Phi Ngọ - Phó Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình với quan điểm này. Thực tế, các nước phát triển như Canada , Australia , Pháp luôn ưu tiên hàng đầu môn Lịch sử trong dạy học và tuyển sinh. Nhiều chuyên gia lịch sử khác cũng nghiêng về đề xuất trên. Tuy nhiên, GS Vũ Dương Ninh - trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội không khỏi băn khoăn bởi như thế sẽ rất nặng cho học sinh ôn luyện, cho dù cách tổ chức thi đã có sự thay đổi nhằm giảm áp lực cho học sinh. Vì thế, ông cho rằng, Lịch sử nên có trong các khối thi vào ngành khoa học xã hội và công an, quân đội. Các trường đào tạo về công nghệ, kỹ thuật tùy tình hình để có quyết định. Và ở bậc phổ thông, khối kiến thức về Lịch sử được giải quyết tốt thì các trường công nghệ, kỹ thuật không cần đề cập đến câu chuyện này.
Trong tuyển sinh ĐH, kiến thức Khoa học xã hội là rất cần thiết, nhất là đối với các trường công an, quân đội đào tạo ra lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, đất nước. Trong trường hợp những người làm công an, quân đội cầm súng chiến đấu với ai thì họ phải hiểu đầu đuôi câu chuyện. Vì thế, nhất thiết phải có môn Lịch sử trong xét tuyển sinh vào ĐH. GS Vũ Dương Ninh Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội |