Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mông Cổ luôn mở cửa cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh

Tuấn Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Miyegombo Enkhbold - Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ đang thăm chính thức Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Miyegombo Enkhbold
Tại buổi tiếp, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Miyegombo Enkhbold và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Mông Cổ sang thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị APPF-26. Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Miyegombo Enkhbold bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam, gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời gửi lời chúc mừng nhân dân và Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị APPF-26 và cho rằng, trong thành công đó có vai trò quan trọng của Chính phủ Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Miyegombo Enkhbold nêu rõ, Mông Cổ và Việt Nam là hai quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Việt Nam là đối tác rất quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và Mông Cổ luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam. Trong những năm gần đây, hai nước duy trì thường xuyên quan hệ trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao, qua đó không ngừng đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt. Bên cạnh đó, Ủy ban Liên Chính phủ hai nước cũng có vai trò quan trọng đóng góp vào việc đưa quan hệ hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

Ông Miyegombo Enkhbold cũng vui mừng cho biết, hai nước đang đẩy mạnh việc ký kết các hiệp định trong lĩnh vực tư pháp, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Đáng chú ý, hai nước đã đặt ra mục tiêu, phấn đấu đạt 70 triệu USD kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020.

Trong khuôn khổ xúc tiến thương mại kinh tế, ông Miyegombo Enkhbold đề nghị hai bên tăng cường hợp tác về chế biến thịt đông lạnh, Mông Cổ có thế mạnh về thịt cừu, dê có thể xuất khẩu sang Việt Nam và ngược lại, với ưu thế về thịt gà, thịt lợn, Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang Mông Cổ. Ngoài ra, hai bên cũng có thể hợp tác trong lĩnh vực chế biến hải sản.

Hai bên cần thiết lập cơ chế hợp tác trong lĩnh vực hải quan, thuế, tài chính để thúc đẩy hợp tác thương mại song phương. Mông Cổ luôn mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Mông Cổ, nhất là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí. Bên cạnh đó, ngành tài chính và ngân hàng trung ương hai nước cũng cần có cơ chế hợp tác để tạo điều kiện cho các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp hai bên.

Mong muốn Việt Nam tăng cường tiếp nhận sinh viên Mông Cổ sang Việt Nam học tập, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ cũng đề nghị các địa phương hai nước triển khai các hoạt động hợp tác để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Miyegombo Enkhbold khẳng định, Mông Cổ ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ Mông Cổ tham gia các hoạt động của Cộng đồng các quốc gia ASEAN.
Thủ tướng đề nghị hai bên cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao kim ngạch thương mại song phương cao hơn mức 70 triệu USD đã đề ra.
Cảm ơn những tình cảm sâu sắc và nhất trí với những đề xuất hợp tác của ông Miyegombo Enkhbold, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, hai nước sẽ tiếp tục củng cố và phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương từ 40 triệu USD vào năm 2016 đã tăng lên 46 triệu vào năm 2017 và khẳng định, trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng duy trì và mở rộng hợp tác với các bạn bè truyền thống trong đó có Mông Cổ, qua đó đóng góp vào việc duy trì hòa bình và thịnh vượng trên thế giới

Nhấn mạnh đến tiềm năng to lớn của mỗi bên, Thủ tướng nhất trí với đề nghị hợp tác của Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ qua nhiều ngành hàng, sản phẩm là thế mạnh của hai nước. Thủ tướng đánh giá cao Mông Cổ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư, kinh doanh tại Mông Cổ, nhất là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí. Việt Nam có nhiều mặt hàng thế mạnh có thể cung cấp lâu dài cho thị trường Mông Cổ như cà phê, thủy hải sản. Việt Nam sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong các lĩnh vực hải quan, giáo dục, kết nối giữa các địa phương, tỉnh, thành phố hai nước.

Đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao, qua Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng chuyển lời mời Thủ tướng Mông Cổ thăm chính thức Việt Nam vào thời điểm thích hợp.

Việt Nam cũng sẵn sàng cử các chuyên gia, kỹ sư giỏi sang Mông Cổ công tác trong các lĩnh vực như: Xây dựng cầu đường, dân dụng, kỹ thuật và các lĩnh vực khác mà Mông Cổ có nhu cầu.

Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Thủ tướng đề nghị hai bên cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao kim ngạch thương mại song phương cao hơn mức 70 triệu USD đã đề ra.