Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mong đợi gì từ chuyến thăm Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bắt đầu chuyến công du đến Singapore, Việt Nam và Philippines trong tuần này, trở thành thành viên đầu tiên trong nội các của Tổng thống Joe Biden tới thăm khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: AFP
Trong 7 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, vai trò của Đông Nam Á được cho vẫn là điểm chưa rõ ràng trong chiến lược, cũng như các kế hoạch cụ thể của Washington về hợp tác kinh tế, thương mại và quân sự Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuần này được hy vọng sẽ phần nào làm sáng tỏ.

"Tôi sẽ nói rất nhiều về quan hệ đối tác và giá trị của quan hệ đối tác", Tướng Austin phát biểu trước báo giới trên đường tới Alaska, bắt đầu chuyến thăm 3 nước Singapore, Việt Nam và Philippines, "mục tiêu của tôi là củng cố các mối quan hệ".

Trang thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ dẫn lời một quan chức tháp tùng Bộ trưởng Austin cho biết: "Chúng tôi muốn hướng về nơi mà chúng tôi tin rằng Mỹ sẽ là một đối tác đáng tin cậy cho các đối tác châu Á của mình... Vì vậy, trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, khi các đối tác của chúng tôi cần, Mỹ luôn có mặt".

Cũng theo quan chức này, các đồng minh và đối tác của Mỹ đang quan ngại nghiêm túc về tình hình ở Biển Đông, và việc nhiều quốc gia đang vi phạm các quy tắc đảm bảo hòa bình và tự do hàng hải. Điều này một lần nữa đặt ra vấn đề về phòng thủ tập thể, mà trong đó, Mỹ hứa hẹn sẽ phổ cập khả năng của mình trong khu vực để đảm bảo rằng không có xung đột nào nổ ra.
Theo đó, một ưu tiên của Bộ trưởng Austin ở Philippines sẽ là tiến bộ trong việc gia hạn một thỏa thuận điều chỉnh sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này, vốn là lợi ích chiến lược quan trọng của Mỹ. Thời hạn hết hạn của hiệp ước đã được gia hạn nhiều lần.

"Chúng tôi rất kiên quyết khi tuyên bố rằng tất cả các quốc gia phải chơi theo cùng một luật lệ, rằng không một quốc gia nào được phép xác định các quy tắc riêng cho các quốc gia khác, gây bất ổn ở khu vực này của thế giới", quan chức quốc phòng cấp cao nói.

Reuters dẫn lời các chuyên gia cho rằng, sự hiện diện của Bộ trưởng Austin là rất quan trọng, để làm rõ rằng Đông Nam Á là một thành phần quan trọng trong nỗ lực kết nối với khu vực của chính quyền Biden. "Chính quyền hiểu rằng khu vực này một yếu điểm, vì vậy điều quan trọng là tăng cường sự tham gia, hiện diện", Gregory Poling - chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, cho biết.

Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tàn phá Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, Mỹ đã cam kết cùng G7 cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các quốc gia đang phát triển, mang đến hy vọng gần 2,3 tỷ vaccine cho riêng các nước châu Á đến cuối năm nay. Con số này được tin có thể đạt được với sự tham gia của sản xuất vaccine tại địa phương, trong đó Mỹ là một trong số các quốc gia ủng hộ việc miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19.

Tuy nhiên, thiếu sót rõ ràng trong việc tham gia của Mỹ lúc này tại khu vực là về mặt kinh tế và thương mại, sau khi người tiền nhiệm của ông Biden - cựu Tổng thống Donald Trump - rút ​​khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017. Chính quyền Biden đã tuyên bố rằng "không vội vàng" tái gia nhập hiệp ước - điều mà các nhà phê bình cho rằng sẽ khiến người Mỹ thiệt hại về việc làm, nhưng cũng đặt ra khả năng sẽ đạt được các thỏa thuận nhỏ hơn, chẳng hạn trong vấn đề thương mại kỹ thuật số.

Một số nhà ngoại giao nhận định, chính quyền Biden dường như đang hướng sự tập trung mạnh mẽ hơn vào châu Á sau khi giải quyết xong các vấn đề toàn cầu khác, chẳng hạn như quan hệ với Nga và châu Âu.

Hơn hết, Tổng thống Biden đang nỗ lực tìm cách tập hợp các đồng minh và đối tác, để hình thành một mặt trận thống nhất nhằm đối phó với những gì mà họ cho là các chính sách kinh tế và đối ngoại ngày càng hà khắc của Trung Quốc. Chính quyền Biden thậm chí đã gọi cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh là "thử thách địa chính trị lớn nhất" của Mỹ trong thế kỷ XXI.

Thực tế, chuyến công du của lãnh đạo Lầu Năm Góc diễn ra ngay sau chuyến thăm đầu tiên của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới Trung Quốc hôm 25 - 26/7, và trùng với cuộc làm việc của Ngoại trưởng Antony Blinken ở Ấn Độ - một đối tác quan trọng khác trong nỗ lực chống lại Bắc Kinh của Mỹ.

Abraham Denmark - cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khu vực Đông Á - nói với Reuters, việc cạnh tranh với Trung Quốc là có thể hiểu, nhưng vẫn còn những câu hỏi về cách Mỹ có thể "biến lời nói thành hành động". Theo ông Abraham, hiện vẫn chưa rõ về ngân sách dành cho Đông Nam Á của Mỹ, "về các khoản đầu tư của chúng tôi vào ngoại giao và cơ sở hạ tầng, để thấy rằng chúng thực sự chất lượng".

Cũng theo nhà ngoại giao châu Á, Bộ trưởng Austin sẽ cần phải cân bằng giữa việc nhấn mạnh mối đe dọa từ Trung Quốc với việc làm rõ rằng Washington coi Đông Nam Á không chỉ là một mặt trận quân sự. "Sự hiện diện quân đội trong khu vực sẽ được hoan nghênh, nhưng một chiến lược kinh tế là điều không thể thiếu", ông Abraham Denmark nhấn mạnh.