Mong manh phương án tài chính cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù xây dựng mức phí lên tới 2.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km và nhận khá nhiều ưu đãi, nhưng phương án tài chính của Dự án Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Vidifi đầu tư vẫn bị đánh giá là mong manh.

Cho đến thời điểm này, trong số các góp ý thẩm định phương án tài chính Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà Bộ Giao thông - Vận tải (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) nhận được, “chát” nhất vẫn là ý kiến của Bộ Tài chính.

Tại văn bản phát đi vào đầu tháng 4/2015, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định: tính khả thi của công trình đường cao tốc có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam là không cao.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, trong khi chỉ còn chưa đầy một tháng đoạn tuyến đầu tiên của công trình sẽ phải thông xe vào giữa tháng 5/2015, trước khi thông xe toàn tuyến vào cuối năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rủi ro liên quan đến việc huy động nguồn vốn cho Dự án vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Trước đó, sau hơn 5 năm thi công, tổng mức đầu tư của dự án xây dựng 105,8 km cao tốc, 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/giờ nối Hà Nội với Hải Phòng đã không dừng ở con số 24.566 tỷ đồng được chính nhà đầu tư này phê duyệt vào năm 2008.

Để có thể hoàn thành công trình, cuối năm 2014, HĐQT Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đã phải ra nghị quyết nâng tổng mức đầu tư lên 45.487 tỷ đồng. Việc để tổng mức đầu tư tăng gần gấp đôi, trong khi công năng sử dụng gần như không thay đổi, đã đẩy chủ đầu tư vào thế rất khó khăn trong việc đảm bảo tính khả thi tài chính của Dự án.

Theo thông tin của Bộ Tài chính, để hoàn thành công trình theo tổng mức đầu tư mới (45.819 tỷ đồng), số vốn cần phải huy động để đưa vào Dự án rất lớn, lên tới khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, dù Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – cổ đông duy nhất đồng thời là đơn vị thu xếp vốn và Vidifi – chủ đầu tư đã tích cực đàm phán với các nhà tài trợ, nhưng kết quả theo đánh giá của Bộ Tài chính là chưa rõ ràng. Nếu không huy động vốn kịp tiến độ, việc thi công phải kéo dài, tiếp tục ảnh hưởng lớn tới hiệu quả Dự án.

Bên cạnh đó, tính khả thi trong phương án tài chính Dự án còn bị nghi ngờ khi một số nguồn thu chính của Dự án, bao gồm doanh thu phí Quốc lộ 5, phí đường cao tốc; các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp vẫn đang trong tình trạng “đếm cua trong lỗ” do phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển kinh tế vĩ mô.

“Rủi ro về các nguồn thu sẽ tác động đến khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư cho Dự án, do đó sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm bảo lãnh đối với các khoản vay của Chính phủ”, ông Hiếu đánh giá.

Chia sẻ quan ngại trên, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, nguồn thu của phương án tài chính mà Vidifi đưa ra chưa có cơ sở vững chắc, nên chủ đầu tư cần nghiên cứu, đưa ra các giải pháp và xây dựng các phương án cần thiết, nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính. Trong văn bản góp ý phương án tài chính Dự án gửi Bộ Giao thông – Vận tải vào tháng 2/2015, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung thậm chí còn đề nghị chủ đầu tư xác định lại thời gian gian hoàn vốn, cũng như thời hạn của hợp đồng BOT.

Cũng cần phải nói thêm rằng, mức thu phí 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn mà Vidifi dự kiến áp dụng cho 22,7 km đoạn tuyến thông xe đầu tiên đi qua địa phận TP. Hải Phòng (Km74 - Km96+700) sẽ chỉ được duy trì trong thời gian ngắn. Theo phương án tài chính của Dự án, mức thu phí mà chủ đầu tư đề xuất là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, thời gian thu phí bắt đầu tính từ năm 2016.

Đây là mức phí bị cả Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan ngại là khá cao và đề nghị Vidifi nghiên cứu, cân nhắc thêm nhằm đảm bảo phương án tài chính cho Dự án và thu hút được các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.

Được biết, theo Quyết định 1621/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vidifi - công ty cổ phần do VDB giữ vai trò chi phối làm chủ đầu tư dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT này. Bên cạnh nguồn vốn tự có khoảng 5.000 tỷ đồng, Vidifi được Thủ tướng cho phép vay vốn nước ngoài và vốn tín dụng trong nước để đầu tư. Để hoàn vốn, nhà đầu tư này được cấp một số quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp, các khu đô thị và thu phí Quốc lộ 5 và chính tuyến cao tốc.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, đáng lo ngại là Vidifi cũng chưa chắc đã có được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành liên quan đến 8 điều kiện cần và đủ để có thể đảm bảo tính khả thi Dự án mà nhà đầu tư này vừa đặt ra.

Hiện liên bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đều không chấp thuận đề xuất của VDB và Vidifi về việc cho phép nhà đầu tư duy trì mức vốn chủ sở hữu là 3.200 tỷ đồng, tương đương tổng mức đầu tư cũ. Do tổng mức đầu tư mới được điều chỉnh lên 43.987 tỷ đồng lên phần vốn chủ sở hữu tối thiểu mà các bộ, ngành yêu cầu Vidifi phải góp vào Dự án là 4.623,7 tỷ đồng.

“Vidifi đang đẩy các bộ, ngành vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không đề xuất một cơ chế đặc thù đủ mạnh, rất khó cứu được tính khả thi của dự án hạ tầng lớn nhất miền Bắc này”, một chuyên gia xây dựng bình luận./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần