70 năm giải phóng Thủ đô

Mong muốn sớm thành lập Hiệp hội Công chứng viên

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên (CCV) Việt Nam.

Có thể nói đây là niềm mong mỏi của các hội CCV, các CCV trên phạm vi cả nước.

Công chứng viên Văn phòng công chứng Phạm Nguyễn (TP Hà Nội) chứng thực hợp đồng. Ảnh: Văn Trọng

Theo quy định của Luật Công chứng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp T.Ư và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các CCV; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia cùng cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng... và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Chính phủ. Còn theo Nghị định 29/2015 hướng dẫn thi hành Luật Công chứng 2014 thì ở mỗi tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được thành lập một hội CCV là tổ chức xã hội – nghề nghiệp cấp tỉnh của các CCV hành nghề trên địa bàn.

Theo Bộ Tư pháp, hết năm 2016, cả nước đã thành lập 35 hội CCV, 10 địa phương khác đã thành lập ban vận động thành lập hội. Mặc dù thời gian hoạt động chưa nhiều, tuy nhiên, các hội CCV đã thể hiện vai trò của mình theo chức năng đã được quy định. Có thể kể đến một số hội CCV hoạt động hiệu quả như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương... Là địa phương đầu tiên trong cả nước lập hội CCV, đến nay, Hội CCV Hà Nội đã có đến trên 400 hội viên. Ông Đặng Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hội cho biết, Hội CCV đã tổ chức nhiều hoạt động như bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao trình độ, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp cho CCV; tham gia hướng dẫn, giải quyết các tranh chấp trong nội bộ các văn phòng, cho ý kiến về việc khen thưởng kỷ luật, phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác quản lý; tham gia tích cực trong công tác xây dựng pháp luật... Nhìn chung, Hội đã trở thành ngôi nhà chung, thành địa chỉ tin cậy cho người hành nghề công chứng. Năm 2016, đại diện cho các hội CCCV trên cả nước, Hội CCV TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban các vấn đề châu Á (CAAs) thuộc Liên minh Công chứng quốc tế (UINL).

Còn tại TP Hồ Chí Minh, Hội CCV đã cùng Sở Tư pháp thực hiện khá tốt việc xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn. Các tổ chức công chứng bao gồm phòng công chứng và văn phòng công chứng đã có mặt rộng khắp các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có yêu cầu công chứng. Ra đời muộn hơn (năm 2015), nhưng Hội CCV Cần Thơ cũng đã tham gia bảo vệ quyền lợi của CCV của các phòng công chứng trong công tác chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng, Hội đã phản ánh được tâm tư nguyện vọng của các CCV, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của CCV.

Tuy nhiên, nhận định chung của lãnh đạo các hội CCV cho thấy, do các hội CCV mới hoạt động nên còn nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là việc thiếu liên kết giữa các hội trong phạm vi cả nước. Do đó, mong muốn của các hội CCV là sớm thành lập Hiệp hội CCV Việt Nam. Mong muốn này đã có cơ sở thành hiện thực khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 132/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội CCV Việt Nam với các quy định rõ ràng về chức năng nhiệm vụ, địa vị pháp lý, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương… Việc lập Hiệp hội CCV Việt Nam không những góp phần cho hoạt động công chứng phát triển, kết nối giữa các hội trong cả nước mà còn thực hiện cam kết với UINL.