Nhưng những năm gần đây, số thợ theo nghề ngày một ít dần. Làng nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một. Đồ gỗ thế chỗ tre trúc Trong khu lán nhỏ nằm ven sông Cà Lồ, anh Nguyễn Văn Quy (thôn Thu Thủy) miệt mài với dụng cụ đục, đẽo để hoàn thành chiếc chuồng chim mà khách hàng đặt. Anh cho biết, nhiều năm qua, gia đình chủ yếu làm “hàng đặt”, chứ ít sản xuất đại trà để tự tiêu thụ ngoài thị trường. Chạy xe một vòng quanh ngôi làng, số lượng cơ sở sản xuất các mặt hàng bằng tre trúc mà chúng tôi ghi nhận chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhiều gia đình đã chuyển sang chế tác đồ gỗ gia dụng.
Ông Nguyễn Văn Sáu – Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ mây tre trúc Thu Thủy cho biết, giai đoạn cực thịnh của nghề tre trúc ở Thu Thủy là vào những năm 2000 - 2005. Sản phẩm của HTX nói riêng, làng Thu Thủy nói chung được khách thập phương đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Nhiều mặt hàng được xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Quốc… Tuy nhiên, từ năm 2010, nghề tre trúc nơi đây dần bị mai một. HTX hiện còn chưa tới 10 thành viên, chỉ sản xuất các mặt hàng bằng tre trúc theo đơn đặt hàng, đồng thời chuyển hướng dần sang chế tác các sản phẩm bằng gỗ. Gian nan giữ nghề truyền thống Theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó Trưởng thôn Thu Thủy, vào giai đoạn cực thịnh, trong làng hầu như hộ nào cũng tham gia làm nghề. Ai không trực tiếp sản xuất thì buôn bán nguyên vật liệu hoặc đi chợ bán buôn các sản phẩm liên quan đến nghề này. Con đường đê uốn lượn ôm lấy dòng sông Cà Lồ luôn nườm nượp người và xe chuyên chở những chuyến hàng đi khắp các tỉnh, thành. Nhưng giai đoạn đó đã qua cách nay chừng 10 năm. Chị Phan Thị Toan, ở làng Thu Thủy có lẽ là người hiếm hoi vẫn ngày ngày chở sản phẩm tre trúc đi bán dạo. Chị cho hay, gia đình có 2 sào ruộng nên tất bật quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Thu nhập thêm không có nên dù vất vả, hai vợ chồng vẫn phải giữ nghề. Ngoài làm “hàng đặt”, gia đình còn sản xuất thêm để chị đi bán dạo những khi nông nhàn. Theo nhiều người dân từng gắn bó với nghề tre trúc, sản phẩm được làm nhiều nhất những năm trước là bàn, ghế, thang, chõng, giường, chuồng chim… Tuy nhiên, những vật dụng này giờ ít được ưa chuộng. Đây cũng là lý do chính khiến nghề tre trúc ở Thu Thủy đi tới thoái trào trong khoảng 5 năm trở lại đây. Nói về nghề tre trúc ở làng Thu Thủy, ông Hoàng Văn Luận - Chủ tịch UBND xã Xuân Thu không giấu được vẻ tiếc nuối. Thực tế, xã Xuân Thu vẫn có “điều kiện cần” để giữ nghề truyền thống. Đó là nguyên liệu sẵn có (tre trúc) và nhân lực. Tuy nhiên, “điều kiện đủ” là thị trường tiêu thụ lại giảm mạnh khiến nhiều người dân nơi đây không còn mặn mà với nghề. Cũng theo ông Luận, được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, các sở, ngành của TP, nhiều mặt hàng tre trúc của địa phương vẫn thường xuyên có mặt tại các hội chợ quảng bá, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ để vực dậy làng nghề. Mong muốn nhất của người dân là các cấp chính quyền TP cần sớm nghiên cứu, mở các lớp đào tạo nghề. Trong đó, tập trung vào việc đa dạng hóa mẫu mã, kiểu dáng và nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Đây là giải pháp giúp kéo người tiêu dùng trở lại với các sản phẩm tre trúc truyền thống và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề.
Gia đình anh Nguyễn Văn Quy là một trong những hộ ít ỏi ở làng Thu Thủy còn giữ nghề tre trúc. |