Morgan Stanley: Triều Tiên có thể nhận 9 tỷ USD đầu tư mỗi năm nếu mở cửa giống Việt Nam

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ ước tính nếu Triều Tiên mở cửa nền kinh tế theo hướng tự do hóa như Việt Nam, lượng vốn đầu tư vào Bình Nhưỡng có thể đạt 9 tỷ USD mỗi năm trong khi tổng mức tiêu dùng hàng năm của người dân nước này cũng tăng thêm hai tỷ USD.

"Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ như một vài nơi khác trên Trái Đất. Triều Tiên cũng sẽ như vậy, sẽ phát triển rất nhanh nếu họ phi hạt nhân hóa. Tiềm năng thật tuyệt vời, cơ hội tuyệt vời, gần như có một không hai trong lịch sử, cho người bạn Kim Jong-un của tôi", Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng nay đăng trên Twitter sau khi tới Hà Nội vào tối qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ngày 27/2/2019. Ảnh: AP
Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra vào 27-28/2 tại Hà Nội, dự kiến vẫn tập trung vào các bước cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa. Một nội dung quan trọng khác là những biện pháp tương ứng Washington có thể thực hiện để đáp lại hành động của Bình Nhưỡng, như nới lỏng lệnh trừng phạt và cải thiện quan hệ song phương, tạo điều kiện cho Triều Tiên phát triển kinh tế.
Ngân hàng Morgan Stanley ước tính nếu Triều Tiên mở cửa nền kinh tế theo hướng tự do hóa như Việt Nam, lượng vốn đầu tư vào Bình Nhưỡng có thể đạt 9 tỷ USD mỗi năm trong khi tổng mức tiêu dùng hàng năm của người dân nước này cũng tăng thêm hai tỷ USD.
"18 triệu người dân trong độ tuổi lao động của Triều Tiên sẽ gia nhập chuỗi cung ứng sản xuất tại châu Á với mức lương bình quân theo giờ thấp hơn ở Việt Nam", báo cáo của ngân hàng này Morgan Staley nhấn mạnh.
Theo báo cáo, một nền kinh tế tự do của Triều Tiên sẽ tạo ra mối liên kết còn thiếu nhằm cải thiện sự giao thương giữa bán đảo Triều Tiên với châu Âu trong trường hợp đường sắt liên Triều được kết nối với Nga và Trung Quốc.
Trước đó tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên cũng đăng bài xã luận ca ngợi tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng đang tập trung vào xây dựng nền kinh tế thay cho chính sách "Byongjin", vốn đề cao phát triển kinh tế song song với tiềm lực hạt nhân.
Công cuộc đổi mới của Việt Nam, nguồn kinh nghiệm hữu ích
Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Hà Nội rằng giữa Mỹ với Việt Nam có "sự phồn vinh và mối quan hệ đối tác từng không thể tưởng tượng nổi"."Tôi có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong-un: Tổng thống Trump tin rằng đất nước của bạn có thể đi theo con đường giống như vậy. Việc nắm bắt cơ hội là tùy thuộc vào các bạn", ông nói. "Đây cũng có thể là phép màu của các bạn ở Triều Tiên".
Từ sau hội nghị Trump - Kim đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái tại Singapore, quan hệ Mỹ - Triều đã có một số tiến triển nhỏ giống như cách Việt - Mỹ nỗ lực làm tan băng giai đoạn đầu, bao gồm việc Bình Nhưỡng lần đầu tiên trong hơn một thập niên bàn giao hài cốt của quân nhân Mỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên.
Việc thúc đẩy chương trình hợp tác tìm kiếm tù nhân và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) từng là nền tảng để Việt - Mỹ xích lại gần nhau. Vấn đề này còn tạo ra môi trường để cải thiện quan hệ ở các lĩnh vực khác.
Việt Nam năm 1986 khởi xướng Công cuộc Đổi Mới để thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với các cải cách như chấm dứt kiểm soát giá cả và khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân, mở cửa với đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Triều Tiên đã thể hiện sự quan tâm đến các cải cách của Việt Nam, với việc cử sinh viên và các phái đoàn chính thức đến tìm hiểu.
Khi ông Kim Jong-un tới Hà Nội để dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này, ông sẽ không chỉ tìm kiếm một thỏa thuận với Mỹ về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Hội nghị lần này và chuyến thăm song phương tới Việt Nam mang đến cho ôngKim một trải nghiệm về những gì có thể là một nguồn kinh nghiệm hữu ích cho các kế hoạch tương lai của ông nhằm cải cách đất nước.
Triều Tiên ngày nay mang nhiều nét tương đồng với Việt Nam trước khi mở cửa và áp dụng cải cách thị trường, còn gọi là chính sách Đổi mới, vào cuối những năm 1980. Trước đó, giống như Triều Tiên ngày nay, Việt Nam là một nền kinh tế chỉ huy bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và kém phát triển. Sau 30 năm cải cách, Việt Nam đã tăng quy mô nền kinh tế hơn 30 lần, trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới với tổng kim ngạch thương mại gấp đôi GDP và thoát khỏi tình trạng thu nhập thấp vào năm 2010.
Năm 1994, Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam để mở đường cho bình thường hóa quan hệ một năm sau đó. Kể từ đó, quan hệ song phương liên tục được củng cố. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ mười một, trong khi Việt Nam đang trở thành thị trường xuất khẩu ngày càng thiết yếu đối với các công ty Mỹ và là đối tác quan trọng trong chiến lược an ninh khu vực của Washington.
Trong bối cảnh ôngKim Jong-un đang mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và tiến hành cải cách kinh tế, Việt Nam là một mô hình hợp lý.
Bình Nhưỡng đang tập trung vào xây dựng nền kinh tế thay cho chính sách "Byongjin", vốn đề cao phát triển kinh tế song song với tiềm lực hạt nhân. Trong bài phát biểu đầu năm nay, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng khẳng định việc cải thiện đời sống người dân là ưu tiên hàng đầu của ông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần