Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một bị cáo vụ “VN Pharma bán thuốc giả” phải vào viện cấp cứu khi đang trả lời thẩm vấn

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/9, phiên tòa sơ thẩm vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma (VN Pharma - PV) bước sang ngày thứ 2 với phần xét hỏi.

Vất hơn chục con dấu để phi tang
Tại phiên tòa, Chủ tọa cho gọi bị cáo Bùi Ngọc Duy (SN 1986, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển VN Pharma) về hồ sơ “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” H-Capita 500mg Caplet (thuốc H-Capiata) do ai viết? Mẫu hộp thuốc do ai đưa ra? Ai đóng dấu Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Công ty Helix Canada - PV) lên “Tiêu chuẩn…”? Vì sao vất bỏ hơn chục con mang tên các công ty nước ngoài, việc vất bỏ dấu có làm cản trở quá trình điều tra?
Các bị cáo Nguyễn Minh Hùng (bìa trái), bị cáo Võ Mạnh Cường (bìa phải), bị cáo Phạm Văn Thông (ngồi giữa) tại phiên tòa sáng 25/9.

Bị cáo Duy cho biết, hồ sơ do bị cáo Phan Cẩm Loan (SN 1973) đưa, sau đó Duy liên hệ thuê bị cáo Phạm Văn Thông (SN 1954, dược sĩ) viết. “Bị cáo chỉ theo dõi tiến độ viết hồ sơ, việc nghiên cứu mẫu hộp thuốc do bị cáo đảm nhiệm. Nhiệm vụ Phòng nghiên cứu phát triển chỉ xin visa thuốc, đối với lô thuốc H-Capita chỉ xin quota. Việc đóng dấu treo Công ty Helix Canada không biết ai thực hiện.
Trong phòng có trên 10 con dấu, khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra khám xét công ty, lúc đó tâm lý mọi người rất hoang mang. Bị cáo Nguyễn Trí Nhật (SN 1975, nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma) chỉ đạo bị cáo phải vất ngay các con dấu. Do anh Nhật là cấp trên cao nhất chỉ đạo nên bị cáo làm theo. Sau này khi làm việc với cơ quan điều tra mới nhận thức việc vất các con dấu làm cản trở quá trình điều tra”.
Bị cáo lên cơn đau tim giữa tòa
Liên quan đến việc liên hệ thuê người viết hồ sơ “Tiêu chuẩn…”, bị cáo Hoàng Trúc Vy (SN 1988) cho rằng làm việc theo sự phân công của cấp trên. Bị cáo có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc. Khi bị cáo Thông viết xong, bị cáo Vy in ra đưa bị cáo Loan đóng dấu treo Công ty Helix Canada, trên hồ sơ này không ai ký.
Đối với bị cáo Phạm Văn Thông, khi được hỏi đã cho rằng về hành vi cáo trạng quy kết là đúng, nhưng có một số tình tiết chưa chính xác. Theo bị cáo Thông, sau khi được phía VN Pharma thuê viết bộ “tiêu chuẩn…” để công ty này lập hồ sơ xin quota. Bị cáo chỉ yêu cầu cấp 2 loại tài liệu là giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita (FSC) và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), tiêu chuẩn phương pháp kiểm nghiệm, hộp thuốc, mẫu thuốc, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh.
Lúc đó VN Pharma cung cấp chỉ thiếu “tiêu chuẩn…”, còn tài liệu FSC và GMP chỉ cung cấp trang. Nói về pháp lý, bị cáo không quan tâm khi chỉ có 1 trang đầu của FSC và GMP vì nghề của bị cáo chỉ cần trang 1, không cần quan tâm gì thêm. Bởi lẽ, trong mỗi công ty dược, trước khi thuê ai đó viết “tiêu chuẩn…”, tại công ty đó đã có bộ phận kiểm tra. Trong quá trình nhận viết thuê, bị cáo có phát hiện giữa hộp thuốc và toa thuốc do VN Pharma đưa có sự khác biết ở từ “siryum”. Khi nói đến đây, bỗng dưng bị cáo Thông lên cơn đau tim và được HĐXX yêu cầu bộ phận y tế đưa ra ngoài sơ cứu, sau đó chuyển vào Bệnh viện 115 để cấp cứu.
Một bị cáo cáo đầu vụ cho rằng cáo trạng chưa đúng
Được gọi hỏi, bị cáo Võ Mạnh Cường (SN 1978, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) cho rằng cáo trạng phản ánh không đúng bản chất vụ việc liên quan bị cáo, có nhiều bất cập và bị cáo đã gửi đơn khiếu nại đến Viện KSND Tối cao. “Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra và Viện KSND Tối cao, có những việc bị cáo trình bày nhưng cả 2 cơ quan này giấu thông tin”, bị cáo Cường nói.
Lúc này chủ tọa cắt ngang để hỏi giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thuốc? Bị cáo Cường trả lời có bổ sung nội dung xúc tiến thương mại về thuốc, không kinh doanh về thuốc. “Bị cáo đại diện Công ty Health 2000 (Canada) và Công ty Helix Canada, 2 công ty này ở nước ngoài. Việc làm đại diện có hợp đồng ủy quyền, ký ở nước ngoài nhưng không công chứng tại Việt Nam, không hợp pháp hóa lãnh sự Việt Nam. Công việc được ủy quyền: Xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triền thị trường tại Việt Nam”, bị cáo Cường trả lời.
Tuy nhiên, chủ tọa khẳng định cả 2 hợp đồng ủy quyền không được làm tại các cơ quan có thẩm quyền theo luật pháp tại Việt Nam nên không có giá trị. Chưa kể, qua điều tra cả 2 công ty nước ngoài ủy quyền cho bị cáo Cường đều không có thực. Chủ tọa cũng hỏi việc chào lô thuốc H-Capiata với bị cáo Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VN Pharma) như thế nào? Bị cáo Cường trả lời do bị cáo Hùng đến yêu cầu hỏi giá bên nước ngoài và đặt hàng. Nhưng khi được gọi đối chất, bị cáo Hùng cho rằng Cường đến chào nhiều lô thuốc, trong đó có thuốc H-Capita.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục xét hỏi những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.
Chỉ hưởng lợi bất chính trên 30.000 USD?
Đối với số tiền hưởng lợi bất chính từ việc nhập thuốc H-Capita giả, bị cáo Võ Mạnh Cường cũng cho rằng thực tế chỉ nhận trên 30.000 USD, không phải hơn 99.000 USD như cáo trạng quy kết. “Vì bị cáo trả tiền vận chuyển cho đối tượng tên Collin trên 55.000 USD, các chi phí, thanh toán công nợ với đối tượng Raymundo. Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đã nộp lại khoảng 1,3 tỷ đồng cho cơ quan điều tra, trong đó có 1,2 tỷ đồng trong tài khoản và gia đình nộp thêm 100 triệu đồng”, bị cáo Cường trả lời HĐXX.