Một bộ phận người dân vẫn có tâm lý tích trữ hàng hóa dù nguồn cung ổn định

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện lệnh giãn cách xã hội, mặc dù đã được tuyên truyền từ trước đó nhưng nhiều người dân vẫn có tâm lý tích trữ lương thực, thực phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá một số mặt hàng thực phẩm như trứng, rau, củ, quả… tăng giá mấy ngày qua.

Khảo sát một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: Chợ Hà Đông, Phùng Khoang (Thanh Xuân), Thành Công (Đống Đa)… công tác phòng dịch tại các chợ được kiểm soát nghiêm ngặt. Tại cổng ra vào các chợ, đều có bố trí chốt trực đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Trong chợ chỉ có các gian hàng bày bán mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm được hoạt động. Lượng hàng như rau, củ quả, thịt, cá, trứng… khá dồi dào.
Tuy nhiên vào giờ cao điểm như đầu giờ sáng và cuối buổi chiều, lượng người dân đổ dồn về chợ mua hàng vẫn khá đông, không đảm bảo yêu cầu giãn cách. Điều đáng nói là người dân vẫn có tâm lý mua hàng tích trữ, khiến nhiều mặt hàng như trứng, rau xanh, củ quả… tăng giá.
 Người dân mua hàng tại chợ Hà Đông
Ghi nhận tại chợ Hà Đông sáng 27/7, nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng giá chóng mặt. Trong đó trứng gia cầm ghi nhận mức tăng cao nhất. Cụ thể, trứng gà ta có giá 5.000 đồng/quả (tăng 1.500 đồng/quả); trứng gà đỏ có giá 4.000 đồng/quả (tăng 1.800 đồng/quả); trứng vịt có giá 4.500 đồng/quả (tăng 1.800 đồng/quả)… Mặc dù tăng giá, nhưng đây vẫn là mặt hàng bán chạy nhất trong mấy ngày qua.
Chị Phạm Thị Dung, ở La Khê, Hà Đông tranh thủ đầu giờ sáng đi chợ mua thực phẩm cho gia đình. Sau mấy ngày không đi chợ, chị Dung khá bất ngờ bởi nhiều loại thực phẩm đã tăng giá gần gấp đôi. Tuy nhiên sau khi hỏi giá, chị vẫn quyết định mua 50 quả trứng gà với giá 5.000 đồng/quả. “Trứng là thực phẩm dễ ăn lại bảo quản được lâu nên tôi mua nhiều về ăn dần. Hơn nữa, việc mua tích trữ thực phẩm sẽ giúp tôi hạn chế tới những nơi đông người, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh” – chị Dung cho hay.
Cùng với trứng, mặt hàng rau xanh cũng ghi nhận mức tăng từ 20 - 30%. Cụ thể, rau muống, mồng tơi có giá 10.000 đồng/mớ; bắp cải, cải thảo 20.000 đồng/kg; bí xanh có giá 25.000 đồng/kg; cà chua 35.000 đồng/kg; bí đỏ 20.000 đồng/kg… Các mặt hàng tăng giá chủ yếu là những loại củ quả để được lâu.
 Lượng hàng hóa tại các chợ vẫn khá dồi dào
Theo chị Nguyễn Thị Duyên, tiểu thương bán rau tại chợ Phùng Khoang, từ ngày thực hiện lệnh giãn cách xã hội, lượng người đổ về chợ giảm, tuy nhiên lượng hàng hóa bán ra tăng do người tiêu dùng mua hàng tích trữ. Chia sẻ về lý do khiến một số loại rau xanh tăng giá, chị Duyên cho biết: “Giá rau tăng từ chợ đầu mối, nên chúng tôi phải bán tăng giá mới có lãi. Ngoài ra, lượng hàng cũng không dồi dào như trước”.
Tuy nhiên, qua khảo sát một số vùng rau xanh và chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội, hoạt động sản xuất vẫn duy trì ổn định. Lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường vẫn khá dồi dào. Thậm chí, tại một số vùng chăn nuôi còn xảy ra tình trạng ùn ứ trứng do khó khăn vận chuyển tới các địa phương khác. Như vậy có thể thấy, việc giá thực phẩm tăng giá trong thời gian vừa qua không phải do thiếu nguồn cung, mà do các tiểu thương tự đẩy giá sản phẩm khi thấy nhu cầu tăng. Bởi tại các siêu thị, nguồn cung và giá cả hàng hóa vẫn khá ổn định.
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Đông Lỗ, Ứng Hòa Ngô Văn Sinh cho biết: Hiện tại hoạt động sản xuất tại địa phương vẫn ổn định. Giá trứng xuất tại chuồng đang dao động: Trứng vịt 3.100 - 3.200 đồng/quả; trứng vịt lộn 3.300 - 3.400 đồng/quả; trứng gà đỏ 2.600 - 2.700 đồng/quả; trứng gà trắng 3.200 - 3.300/quả. Tăng 15 - 20% so với 15 ngày trước. Tuy nhiên ông Sinh lo ngại, mức tăng này chỉ là tăng sốc trong thời điểm ngắn do người dân tích trữ. Sau đó khi thị trường ổn định thì giá trứng lại giảm.
Theo Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, sau khi TP thực hiện giãn cách xã hội, khiến cho một số khâu cung ứng bị gián đoạn tạm thời, mặt khác một phần do nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến nên các thương lái đẩy giá sản phẩm lên cao.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội đã chủ động, sẵn sàng nguồn cung của các hệ thống phân phối từ nhiều tháng nay. Hiện hàng hóa dồi dào, các hệ thống phân phối đều tăng lượng hàng và nhân lực phục vụ. Vì vậy người dân cần bình tĩnh trong tiêu dùng, không nên mua hàng tích trữ.