Một cách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình "Vui xuân Giáp Ngọ 2014" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam diễn ra trong hai ngày 8 - 9/2 (mùng 9 - 10 Tết) vừa kết thúc đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.

 Với những hoạt động đa dạng và phong phú mang đậm tính dân gian như trình diễn nghệ thuật, trò chơi, ẩm thực…, "tiệc xuân" này không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi đầu năm mới của du khách trong nước và quốc tế, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của các địa phương, các cộng đồng dân tộc nước ta.

Hơn 20 trò chơi đặc sắc

Bước vào cổng chính Bảo tàng, sân trước rộn ràng với nhịp sạp đều tay của các cô gái Thái và tiếng cười nói vui tai của du khách tham gia trò chơi Pháo đất. Phía bên phải, trước nhà Cánh Diều, các "thượng đế" của Bảo tàng được thưởng thức những điệu hát dân ca ví, dặm; hát múa sắc bùa; lẩy kiều, bói kiều; múa dân gian của dân tộc Chứt và múa tứ linh. Di chuyển vào trong, khu nhà Việt là nơi được các tín đồ của nghệ thuật hát ca trù - Cổ Đạm và múa rối nước hội tụ. Tiếp đến, sau nhà Trống đồng là nơi các ông đồ trổ tài viết thư pháp, các nghệ nhân Đông Hồ "khoe" tranh, bán nón Ba Giang. Trong khi đó, giới trẻ và du khách ngoại quốc lại thích thú với hoạt động thử mặc y phục dân tộc sau nhà Hà Nhì.
Nhiều du khách tham gia Múa sạp của dân tộc Thái.      Ảnh: Phúc Minh
Nhiều du khách tham gia Múa sạp của dân tộc Thái. Ảnh: Phúc Minh
Đặc biệt, để hoạt động vui xuân ý nghĩa hơn và thu hút được đông đảo công chúng, Bảo tàng đã tổ chức 22 trò chơi dân gian với hình thức thi có thưởng. Đó là Đánh đu, Đeo người, Thụt thò (Êđê); Làm quạ, Cọp ốm, Ném gỗ (Bana); Trẻo (Giarai); Đánh cầu lông gà (Thái, Mông, Pà Thẻn); Chơi quay (Mông, Dao, Nùng); Ném pao (Mông), Tung còn (Thái, Tày, Sán Chay); Nhảy bao bố, Bịt mắt tìm người, Đứng tượng, Cõng người kéo nhau (Garai); Kéo co, Gà ấp trứng (Thái); Tó mák lẹ (Thái); Nhảy chữ thập (Khơmú); Luồn dây, Leo cột, Giấu sỏi (Cống); Lăn bưởi (Si la), Đi cà kheo, Bắt chạch trong chum (Kinh)... Ngoài ra, Bảo tàng còn tổ chức hoạt động “Vui cùng 12 con giáp” và trưng bày, bán nhiều đặc sản đặc sắc của Hà Tĩnh và xứ Lạng như: Cu đơ, chè xanh, chè vằng, bánh ong, bún bò Đức Thọ, Cháo lươn, Mâm cỗ ngày Tết ở Hà Tĩnh…

Ý nghĩa và bổ ích

Ý nghĩa và bổ ích là cảm nhận của hầu hết các du khách đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam dịp cuối tuần qua. Chị Đỗ Thị Tú (phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Nhiều năm nay, xuân nào tôi cũng cho hai con đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để vui chơi và giúp các con biết đến nhiều trò chơi dân gian của đất nước. Ở TP bây giờ những trò Đánh đu, Đi cà kheo, Nhảy bao bố… mà lứa tuổi chúng tôi hay chơi ngày nhỏ đã vắng bóng, nên đây là dịp hiếm có gia đình tôi không thể bỏ lỡ". Còn ông David Tay, du khách đến từ Singapore chia sẻ: "Tôi thật may mắn khi đến thăm Việt Nam, đặc biệt là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam dịp này. Tôi thấy các vật dụng để tạo nên một trò chơi thật đơn giản nhưng gắn kết được người chơi và giúp họ rất vui. Ở đất nước tôi không có nhiều trò chơi dân gian như các bạn".

Nhiều năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nỗ lực "cứu" các trò chơi dân gian xưa mỗi dịp Tết đến, xuân về bằng cách tái hiện chúng. Tết Quý Tỵ 2013, lần đầu tiên các hoạt động trình diễn nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc của tỉnh Yên Bái được Bảo tàng khéo léo gắn với công cuộc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của các địa phương và các tộc người khác nhau. Nhờ đổi mới cách làm, chương trình Vui xuân đã thu hút hàng ngàn người tham gia. Tiếp nối những thành công đó, năm nay Bảo tàng phối hợp với Sở VHTT&DL Hà Tĩnh tổ chức chương trình Vui xuân Giáp Ngọ 2014 giúp công chúng tìm hiểu nét độc đáo trong văn hóa, văn nghệ và ẩm thực của tỉnh Hà Tĩnh đã tạo nên "làn gió mới" cho hoạt động này.

Rõ ràng, việc sử dụng Bảo tàng như một công cụ để bảo tồn văn hoá dân gian là một hướng đi đúng cần được nhân rộng và cần được sự quan tâm hỗ trợ của xã hội. Thay cho bảo tồn các giá trị văn hoá trong tủ kính, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đánh thức và đưa giá trị ấy gắn với đời sống thường ngày, nơi sản sinh ra nó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần