Nhóm Vingroup “đè” chỉ số
VHM, VIC, VCB là 3 cổ phiếu giao dịch tiêu cực nhất. Cả 3 mã “họ” Vingroup là VIC, VHM, VRE cùng giảm giá. Trong đó, VHM giảm 3%, VIC giảm 2,1%. Bên cạnh đó, SAB, BCM, CTG, GAS, HDB, FPT... gây thêm áp lực lên thị trường. Nhiều cổ phiếu ngân hàng, bất động sản suy giảm, sự phân hóa diễn ra rõ rệt.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán vẫn hút dòng tiền, cổ phiếu tăng mạnh. SSI tiếp tục có thanh khoản cao nhất toàn sàn (688 tỷ đồng). VND đứng thứ 2 với 649 tỷ đồng. Mức thanh khoản này bỏ xa cổ phiếu đứng thứ 3 là STB (473 tỷ đồng). Nhóm chứng khoán có APS, PSI, BSI, ORS tăng trần.
Sau tin hạ lãi suất điều hành, cổ phiếu chứng khoán đặc biệt hút dòng tiền. Động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được cho tạo tác động tích cực tới thị trường chứng khoán. Cổ phiếu chứng khoán theo đó khởi sắc mạnh mẽ.
Thậm chí, đà khởi sắc của nhóm chứng khoán còn “chạy” trước kỳ vọng hạ lãi suất. Tuần trước, nhóm này hút mạnh dòng tiền. BSI ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng tới hơn 370% so với tuần trước. AGR cũng có khối lượng giao dịch tăng tới gần 260%.
Nhiều mã thuộc nhóm chứng khoán khác như VIX, VIG, MBS, BVS, SHS, APS, TVC lọt vào top cổ phiếu tăng mạnh thanh khoản trên cả 2 sàn.
Dòng tiền mạnh đã thúc đẩy giá cổ phiếu chứng khoán tăng tốt trong tuần vừa qua. Hầu hết các mã kể trên đều có mức tăng giá từ 10% trở lên. Trong đó, BSI tăng giá 27%, AGR tăng 14.5%, VIG tăng gần 14%...
Hôm nay, dòng tiền có dấu hiệu chạy qua các cổ phiếu nhỏ, trung bình. Mặc dù số cổ phiếu tăng giá gần gấp đôi số giảm giá trên HoSE (243/144) nhưng VN-Index vẫn giảm 1 điểm.
Nhóm vận tải biển gây bất ngờ, khi VIP, HAH, VOS đồng loạt tăng trần. Ngành thép ngập trong sắc xanh. HSG tiếp tục tăng giá sau khi đón một quỹ ngoại trở thành cổ đông lớn. Dragon Capital thông báo đã mua 1,1 triệu cổ phiếu HSG vào ngày 28/3. Sau giao dịch, nhóm quỹ ngoại nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,86% lên 5,05% và trở thành cổ đông lớn tại HSG.
Như vậy, nhóm quỹ Dragon Capital đang là cổ đông lớn thứ 2 của HSG, chỉ sau Chủ tịch Lê Phước Vũ (sở hữu 17,09%). Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HSG hồi phục mạnh từ sau đợt bán tháo tháng 11/2022, đến nay đã tăng hơn 130% so với mức đáy ngày 15/11.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 0,83 điểm (0,08%) xuống 1.078,45 điểm. HNX-Index tăng 0,25 điểm (0,12%) lên 210,73 điểm. UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (0,4%) lên 77,59 điểm. Thanh khoản tương đương phiên trước, giá trị khớp lệnh HoSE hơn 12.544 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 281 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đã nên giải ngân đón sóng?
Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, xu thế của thị trường hiện tại là tăng giá, nên các nhịp rung lắc hay điều chỉnh sắp tới tạm thời đều là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Điểm dừng lỗ hiện tại cho các nhịp mua mới là khi chỉ số mất vùng hỗ trợ mạnh quanh 1,050-1,055 điểm đã thiết lập trong 2 tuần trước đó.
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, với góc nhìn ngắn hạn, VN-Index đang vận động tốt trong kênh tăng ngắn hạn và mục tiêu của chỉ số này hướng tới có thể là vùng kháng cự ngắn hạn 1,150 điểm hoặc cao hơn theo kênh tăng (2 đường đỏ song song) trên đồ thị.
Về xu hướng trung - dài hạn có thể thấy trạng thái vận động của VN-Index kể từ khi tạo đáy dài hạn vào tháng 11/2022 là xu hướng hồi phục với từng bước sóng có đáy cao dần. Quá trình hồi phục này tạo ra một khu vực tích lũy rộng trong thời gian dài với vùng kháng cự nằm quanh mốc 1,150 điểm. Với tình hình vĩ mô hiện tại, SHS cho rằng thị trường tiếp tục tích lũy kéo dài, trước khi có thể kỳ vọng bùng nổ để tạo nên một chu kỳ uptrend mới.
Nhà đầu tư ngắn hạn giai đoạn này vẫn có thể giải ngân đón đầu sóng hồi, nhưng nên lựa chọn các phiên điều chỉnh trong thời gian tới, SHS vẫn kỳ vọng VN-Index hướng tới khu vực 1,150 điểm. Nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục tích lũy thêm các cổ phiếu tiềm năng trong các giai đoạn điều chỉnh, nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.