Cuối năm cũng là dịp các hoạt động thương mại gia tăng. Cũng bởi vậy, như một lẽ tất nhiên, lượng người, phương tiện tham gia giao thông tại Hà Nội cũng như các tỉnh, TP khác cũng gia tăng, thậm chí đến mức đột biến trong những ngày cuối năm.
Một thực tế đáng buồn là cùng với sự gia tăng ấy, những hành vi vi phạm quy định về ATGT cũng tăng theo. Đó là việc các loại xe máy, xe ba bánh tự chế chuyên chở hàng hóa cồng kềnh lưu hành trên đường phố. Trong đó, đặc biệt nguy hiểm là hiện tượng dùng xích lô, xe máy, xe đạp vận chuyển tôn, vật liệu xây dựng.
Đi trên đường phố Hà Nội những ngày này, không khó để gặp những chiếc xe máy cũ rích, chiếc xe đạp rệu rã chở cây thép dài 5 - 6m hay một chiếc xe kéo tự chế chở những ống thép dài tới 5 - 6m với phần đuôi có cạnh sắc thò hẳn ra ngoài ngang tầm bụng người đi đường… Điều đáng nói là những chiếc xe chở vật liệu cồng kềnh, nguy hiểm đó vô tư lách đi trong dòng người, xe đông đúc ở mọi nơi, mọi lúc, đe dọa nghiêm trọng sự an toàn của người cùng tham gia giao thông. Và thực tế là không ít trường hợp người đi bộ, đi xe đạp va phải xe chở sắt, thép, tôn loại này gây thương tích, thậm chí tử vong.Nhận thức được tính chất nghiêm trọng của hiện tượng vi phạm này, cuối năm 2016, Hà Nội đã ra quân xử lý xe chở hàng cồng kềnh, xe tự chế. Đáng lo ngại là mặc dù thu được những kết quả nhất định, vẫn còn những khó khăn trong việc xử lý loại vi phạm này. Một trong những nguyên nhân được nêu ra lúc là trên thực tế vận chuyển hàng hóa, vật liệu là nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong khi đó các phương tiện chuyên chở không thể đáp ứng được hết nhu cầu, nên nhiều người vẫn sử dụng xe mô tô, xe 3 bánh để vận chuyển, dẫn đến tình trạng nguy hiểm nói trên. Mặt khác, những người vận chuyển kiểu này cũng là những người lao động nghèo, đi làm thuê. Phương tiện họ sử dụng thường rất cũ, thậm chí chỉ đáng bán sắt vụn. Vì vậy cũng không thể áp dụng biện pháp thu giữ phương tiện hay tạm giữ người vi phạm. Đó là chưa kể việc những người vi phạm còn trốn tránh bằng nhiều cách như tháo dỡ hàng hóa rồi đi qua chốt CSGT. Nhiều người thuê người khác vác vật liệu đi bộ qua vị trí của tổ công tác. Đối tượng vi phạm lỗi chở hàng cồng kềnh cũng rất đa dạng, không riêng người lao động nghèo. Đa số các trường hợp vi phạm khi được hỏi đều cho rằng biết mình làm như vậy là sai nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên họ vẫn cố làm. Trước tình trạng đáng lo ngại đó, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm đồng thời nhắc nhở tuyên truyền những nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông và gây ùn tắc giao thông do việc chở hàng cồng kềnh gây ra là chuyện cần làm ngay. Tuy nhiên, như trên đã nói, đối tượng vi phạm quy định này khá đa dạng, không chỉ là những người lao động nghèo. Vậy nên chăng cần có những biện pháp xử lý phù hợp với từng đối tượng. Với những đối tượng là người lao động nghèo, thường sử dụng những xe máy, xe đạp cũ, không thể áp dụng biện pháp thu giữ phương tiện cần truy cứu xem cửa hàng vật liệu hoặc gia chủ nào thuê vận chuyển để có biện pháp xử phạt, thậm chí tạm giữ những vật liệu được vận chuyển. Tất nhiên để thực hiện được cũng cần có quy định về luật pháp cho trường hợp này. Còn đối với các trường hợp còn lại, cần áp dụng những biện pháp mạnh tay như thu giữ phương tiện, tạm giữ giấy phép lái xe bên cạnh việc thực hiện mức phạt theo quy định cho trường hợp này là từ 200.000 - 400.000 đồng. Một điều nữa cần quan tâm, đó là chính vì những khó khăn trong việc xử lý như nêu ở trên mà đôi khi các lực lượng chức năng chưa có thái độ kiên quyết, dù những hành vi trên là không khó phát hiện, kể cả ở những đường phố trung tâm. Bởi vậy, thái độ và biện pháp xử lý của lực lượng chức năng vẫn là một yếu tố quan trọng. Mong rằng với thái độ kiên quyết của các lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông… cùng các biện pháp phù hợp, tình trạng vi phạm nguy hiểm trên sẽ dần được hạn chế và xử lý dứt điểm. Cuối cùng, dù không mới nhưng vẫn phải nhắc lại, xử lý nghiêm cũng là để hạn chế tâm lý nhờn luật của người dân, góp phần xây dựng văn hóa giao thông.