Đó là làng Tây Hồng thuộc xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Một ngôi làng chỉ tồn tại trong 10 năm 1967-1977 thế nhưng có tới hàng ngàn người từ mọi miền đất nước cùng về dự trong bùi ngùi và xúc động.
Vốn ngôi làng Thống Nhất cũ hàng trăm năm trước đây nằm sát đường Quốc lộ 1A, cũng là làng thuộc huyện ven biển (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã huy động máy bay dội bom, tàu chiến bắn pháo kích từ biển vào nhằm phá vỡ hai cái cầu là cầu Bùng và cầu Lồi, phá hoại đường sắt Bắc – Nam chạy dọc theo Quốc lộ 1A, nhằm chia cắt giao thông từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam; tìm diệt xe, tàu chở hàng chi viện cho miền Nam; phá hoại các cơ sở kinh tế-xã hội của các địa phương miền Bắc XHCN, tàn sát dân lành...
Vì thế, để bảo đảm an toàn cho người dân, tích cực lao động sản xuất góp sức cho miền Nam đánh đuổi Mỹ xâm lược, năm 1967 lãnh đạo xã Diễn Hồng quyết định dời toàn bộ hai thôn Cung Bắc, Cung Namcủa làng Thống Nhất đi về phía tây, cách xa quốc lộ 1A, cách xa đường sắt Bắc - Nam, về lập làng mới tại cánh đồng sát huyện Yên Thành. Làng mới được đặt tên là “Làng Tây Hồng”, nằm phía tây của xã Diễn Hồng giữa một cánh đồng lúa, giữa làng có con sông Cồn Lau nước trong xanh chảy mải miết, qua mấy xã tưới tiêu cho đồng ruộng huyện nhà.
Ngày đầu thành lập làng mới Tây Hồng, chỉ trong một thời gian ngắn bà con đồng loạt dỡ nhà từ nơi cũ, đưa lên xây dựng mới, gần 200 ngôi nhà đã được làm vội giữa cánh đồng lúa nằm hai bên bờ sông. Hàng ngàn người dân vừa dũng cảm tránh bom đạn Mỹ vừa tích cực sản xuất để góp thóc lúa cho chiến trường. Ban đêm cả làng sống trong bóng tối, không dám thắp đèn dầu hoặc đỏ bếp lửa vì sợ máy bay địch phát hiện ném bom. Chỉ có tiếng hát, điệu hò giao lưu vẫn vang lên một cách lạc quan. Buổi đầu ấy, tất cả các ngôi nhà dựng lên mà tường là phên tre nứa đều được trát bằng bùn đất nhào với rơm khô; mái nhà thì lợp bằng tranh đan từ gốc rạ; nhà đều làm hướng về miền Nam ruột thịt. Nhà nào cũng có những căn hầm chữ A để làm nơi trú ẩn, dưới gầm giường thường đào những hố nhỏ để phòng đêm đang ngủ mà bị máy bay Mỹ ném bom thì có thể kịp lăn xuống tránh miểng bom bất cứ lúc nào.
Mặc máy bay Mỹ nhiều đêm gầm rú trên bầu trời, mặc những tiếng pháo kích của Mỹ từ biển bắn vào, dưới những căn hầm chữ A, đêm đêm lũ trẻ chúng tôi vẫn thắp đèn dầu chụp đèn phòng không ngồi học bài. Còn ban ngày, khi đến trường chúng tôi đều đội mũ rơm do cha mẹ đan cho để tránh mảnh bom Mỹ. Giữa sống chết bất kỳ do kẻ xâm lược có thể gây ra bất cứ lúc nào, người dân làng Tây Hồng vẫn dũng cảm, hiên ngang vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, góp phần chống Mỹ cứu nước. Những cây xanh, cây ăn quả dần dần được mỗi nhà trồng trên các ngõ, xóm. Rồi trường mẫu giáo, trường cấp 1 được dựng lên bên trong các thành lũy để có thể tránh được bom giặc Mỹ dội xuống hoặc pháo kích của giặc bắn từ phía biển vào làng.
Các chàng trai của làng xung phong đi bộ đội, vào chiến trường đánh giặc. Nhiều buổi trưa hè, các nam nữ thanh niên trèo lên cành cây cao vo tờ báo làm loa đọc lan tin chiến thắng từ chiến trường khiến mọi người vui râm ran, tự hảo vô kể…
Làng sẽ không bao giờ quên những ngày đau thương khi gia đình bà Hạnh, gia đình bà Lan nhận được tin con trai là anh Tổng, anh Bốn hi sinh. Rồi đến lượt bà Lợi nhận được tin chồng hi sinh ở chiến trường... Chúng tôi còn bé lắm nhưng trái tim đã biết đau nên thường ngồi im, khoanh chân trong buổi lễ truy điệu liệt sỹ, cùng hô to theo người lớn “đả đảo đế quốc Mỹ!”.
Làng cũng không bao giờ quên cảnh “tối lửa tắt đèn có nhau”, ngày giáp hạt, làng như gầy đi xanh xao, nhiều nhà đứt bữa, vì vậy nhà này cho nhà kia vay bát gạo, cho mua chịu lá trầu, quả cau, có củ khoai, bắp ngô cũng đều sai con đưa sang biếu hàng xóm. Nhà ai có người bị ốm thì cả làng đến ngồi kín sân, râm ran bàn cách cứu chữa. Có những chuyến cấp cứu người ốm trong đêm, hàng xóm xúm vào bắc cáng khiêng người ốm, người nhà chạy đằng sau với lỉnh kỉnh áo quần, muối gạo, nồi niêu, củi lửa đầy lo lắng. Thương người như thể thương thân nên người của làng gắn kết, yêu thương nhau như ruột thịt.
Có điều rất lạ là 10 năm sơ tán ấy, không hiểu có phong thủy tốt hay mạch nước hay nào “ám” vào không mà người cùa làng học rất giỏi. Ông Phan Quỳnh đi học nước ngoài, sau này là Phó Tiến sỹ được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, rồi anh Lê Hồng Thuận, anh Nguyễn Thế Vinh, anh Phan Bình, anh Lương Hồng Lạng, Lương Hồng Ngọc... cũng được chọn đi học ĐH ở các nước XHCN. Lớp đàn em sau có các anh Nguyễn Hồng Vân, Nguyễn Hồng Thái học rất giỏi được tỉnh Nghệ An tuyển chọn vào đội tuyển của tỉnh dự kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc lớp 7/10 (1975) và học sinh giỏi Toàn quốc lớp 10/10 (1978); cả hai được chọn vào trường chuyên Phan Bội Châu của tỉnh Nghệ Tĩnh lúc ấy. Sau này trưởng thành vào đời công tác, anh Nguyễn Hồng Thái là Tiến sĩ, là Nhà văn, là người đầu tiên của làng Tây Hồng, cũng là người đầu tiên của xã Diễn Hồng được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng Công an nhân dân.
Về dự Hội Làng lần này có một gia đình rất đặc biệt: gia đình ông Nguyễn Đức Hiền, nguyên là Trưởng phòng Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa, ông có 4 con trai gái dâu rể đều là Tiến sĩ, Giảng viên của các trường Đại học tại Thủ đô.
Làng cũng rất vinh dự và tự hào về thầy giáo Lương Thế Trác, một tấm gương sáng về hiếu học, tài năng và nhân cách nhà giáo. Thầy Trác đã góp phần đào tạo nên nhiền học sinh giỏi toán của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hòa bình, nhiều học sinh của thầy sau này trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước. Nhờ tấm gương của Thầy mà nhiều gia đình đã dạy con cái noi gương thầy hoặc nhờ thầy dạy bảo trở nên học giỏi và khôn lớn trưởng thành.
Làng có cụ bà Hồ Thị Duyệt (thường gọi bà cụ Đệ) hiện sống thọ 110 tuổi và nhiều cụ hiện sống thọ xấp xỉ 100 tuổi. Đó là một bằng chứng sinh động về lòng hiếu thảo của con cái dành cho các bậc cha mẹ. Bà cụ Đệ có các con trai đều vào Quân đội, trong đó ông Nguyễn Viết Xuân (SN 1953) là lính Đặc công, chiến đấu dũng cảm trong chống Mỹ cứu nước, dân làng vẫn hay kể ông Xuân bí mật tham gia cùng đơn vị đánh thẳng vào Sân bay của Đế quốc Mỹ đặt tại Thái Lan (sân bay điều máy bay vào ném bom Việt Nam trong chiến tranh xâm lược).
Cũng tại ngôi làng nhỏ này đã sinh ra, nuôi dưỡng đôi bạn trẻ Phạm Văn Lương và Nguyễn Thị Hương sau này thành cặp vợ chồng doanh nhân có tài, có tâm và thành đạt. Anh chị là người có sáng kiến tổ chức Hội làng và là người tài trợ chính cho mọi hoạt động của lễ hội.
Nắm bắt được nhu cầu tình cảm của đa số người dân làng Tây Hồng ở mọi miền đất nước, gia đình anh Phạm Văn Lương cùng với một số ít người con của làng đã quyết định đứng ra tổ chức Hội làng Tây Hồng kỷ niệm 55 ngày sơ tán. Ngày 4 tháng Giêng năm Quý Mão, làng tổ chức gặp mặt truyền thống, liên hoan cho những người sinh ra từ năm 1978 về sau khi làng Tây Hồng đã di dời về nơi ở mới. Ngày 5 tháng Giêng làng gặp mặt truyền thống, liên hoan đối với những người đã từng sinh sống và sinh ra, lớn lên tại làng Tây Hồng những năm 1967-1977.
Ban tổ chức gồm những người nhiệt tình của làng hiện sống tại khu Vách Bắc của xã Diễn Hồng và huy động sự hưởng ứng, giúp đỡ của bà con làng Tây Hồng cũ. Ban tổ chức làm sân khấu, che nhà bạt trên dải đất rộng thuộc bờ đê Vách Bắc, trưng bày cối giã gạo, cối xay lúa để bà con nhớ lại cảnh nông thôn ngày xưa. Lễ hội còn mời đoàn ca múa nhạc Nghệ An về biểu diễn phục vụ bà con của làng và toàn xã. Đêm khai mạc Hội làng, đã tổ chức bắn pháo hoa chào mừng 15 phút (mà phải là pháo hoa do Quân đội sản xuất), ai cũng cảm thấy vui sướng lâng lâng. Ngày Hội chính, Ban tổ chức chiếu phim tư liệu hấp dẫn về Làng để ôn lại truyền thống, nhiều bà con nhìn thấy cảnh xưa mà cảm động ứa nước mắt.
Ngày hội làng, bà con đã tổ chức đoàn vào nghĩa trang viếng các liệt sỹ, tôn vinh tặng áo và khăn ấm các cụ già 75 tuổi trở lên, đặc biệt là cụ già từ 80 tuổi đến 110 tuổi... Nhiều các cụ cao niên trên 90 tuổi đều được con cháu chở đi, dìu đến tham gia, nhiều bà con ở Hà Nội, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Đồng Nai, Kon Tum, Đăk Lăc, Đăk Nông, Gia Lai, các thành phố và huyện thuộc tỉnh Nghệ An đã cùng về dự. Đại tá CAND Nguyễn Hồng Thanh ở Tp Hồ Chí Minh, Đại tá, bác sỹ Nguyễn Hữu Đệ ở Hà Nội... đều trên 80 tuổi khong về được nhưng rất háo hức vui mừng gửi lời chúc mừng tới bà con dân làng. Nhiều người, bao nhiêu năm nay mới gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi.
Ai cũng nghĩ rằng, gặp nhau lần này là rất hiếm, là cơ hội để ôn lại chuyện xưa, để khẳng định với nhau rằng, ngày xưa dù ta rất khổ, đói dài, lại bom đạn của đế quốc Mỹ sống chết bất kỳ nhưng bà con Tây Hồng đói no có nhau, đoàn kết giúp nhau, vươn lên để sống, làm việc, chiến đấu và chiến thắng...
Người làng trong Nam ngoài Bắc về gặp nhau để tôn vinh những nét tốt đẹp đã qua của làng Tây Hồng. Nét đẹp ấy đã nuôi mỗi người của làng lớn khôn trưởng thành. Nét đẹp ấy gắn kết mỗi người con của làng với nhau để nhớ nhau, thương nhau đến tận bây giờ. Nét đẹp ấy theo mỗi người của làng suốt cuộc đời và trở thành kho báu trong cuộc đời mỗi người. Bây giờ sau khi gặp nhau, làng sẽ trao lại kho báu đó cho con cháu của làng lưu giữ và phát huy như một mạch nguồn truyền thống không bao giờ vơi cạn, để chúng làm hành trang - không phải gói trong ba lô mà thấm vào mạch máu, trí não đi muôn nơi, sống và làm người tử tế, để giúp nhau, giúp mọi người, giúp cuộc đời và giúp quê hương, đất nước. Làng tin lớp trẻ sau này sẽ thông minh để nhận biết điều đó.
Qua hội làng lần này, người ta đã đúc kết truyền thống ấy của làng Tây Hồng xưa. Đó là nét đẹp Đoàn kết-Thân thuộc-Yêu thương nhau- Sống có tình, có nghĩa; là nét đẹp ham học và học giỏi; là nét đẹp khát vọng đi xa, vươn ra khỏi cổng làng để học tập và lao động; là nét đẹp sẵn sàng giúp nhau khi hoạn nạn, dù gặp nhau ở đâu...
Hội làng Tây Hồng đã kết thúc nhưng dư âm tốt đẹp còn lan tỏa mãi. Bởi đó là một hội làng đặc biệt mang nét văn hóa tốt đẹp và sâu lắng. Mỗi người rời hội làng lại về muôn nơi, đều mang theo những giá trị bất biến của ngôi làng tạm 10 năm sơ tán – 10 năm dời làng tránh bom đạn của giặc Mỹ để sống, để chiến đấu, như một hành trang quý giá của đời mình. Hội làng nhắc cho họ, con cháu họ một nét văn hóa tốt đẹp, nhắc họ ơn nghĩa với mỗi mảnh đất mà ta đã đi qua dẫu dài lâu hay ngắn ngủi trong cuộc đời này...