Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một năm kinh tế ngấm đòn Covid-19

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp tới mọi mặt của nền kinh tế Việt Nam. Trong 2 năm 2020, 2021, thiệt hại do dịch bệnh gây ra ước tính lên đến 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD. Lượng hóa thiệt hại kinh tế mất đi do đại dịch là cần thiết để đưa ra các giải pháp tổng thể đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo bình thường mới.

Các ngành quan trọng đều giảm tăng trưởng

Bước vào năm 2021 với tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm 2020 chỉ đạt 2,91%, thấp nhất trong một thập niên 2011 - 2020 chủ yếu do những tác động của dịch Covid 19. Đặc biệt, trong năm 2021, đợt dịch lần thứ 4 kéo dài từ tháng 7 đến nay đã ảnh hưởng mạnh đến GDP. Lần đầu tiên từ khi thống kê GDP theo quý năm 2000, Việt Nam ghi nhận một quý tăng trưởng âm (quý 3/2021, GDP giảm 6,17%). Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%. Hai trong ba trụ cột chính để tính GDP gồm công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều "ngấm đòn" nặng nề. Đó là hệ quả của việc hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua giảm mạnh vì lệnh giãn cách xã hội ở nhiều địa phương. Quý 3 cũng là lần đầu tiên có tới 18/19 tỉnh thành phía Nam (bao phủ hơn 44% GDP cả nước) cùng tăng trưởng âm. Riêng đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh GDP giảm tới 24,39%.
 May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 40, quận Thanh Xuân. Ảnh: Hải Linh
Theo Tổng cục Thống kê, các ngành quan trọng đều giảm trong quý 3: công nghiệp chế biến giảm 3,2%, xây dựng giảm 11,4%, thương mại giảm 19,9%, vận tải giảm 21,1%, thủy sản (- 4,9%). Thương mại, ngành lớn nhất của dịch vụ suy giảm mạnh. Doanh số bán lẻ và dịch vụ giảm mạnh trong suốt cả 3 tháng của quý 3. 9 tháng năm 2021 đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7%. Bên cạnh đó, công nghiệp tăng trưởng tốt cho đến tháng 5, chậm lại vào tháng 6, không có tăng trưởng trong tháng 7, giảm mạnh vào tháng 8 và 9. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh cho đến tháng 6, nhưng tháng 7 đã chậm lại và tháng 8 và 9 đã suy giảm. Trong lĩnh vực đầu tư, đợt dịch hiện nay đang làm giảm mạnh đầu tư tư nhân và giải ngân FDI. 9 tháng đầu tư tư nhân tăng thấp (3,9%) và FDI giảm (-3,4%).

Sang đến tháng 11, tình hình có khả quan hơn nhưng vẫn còn khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 11 tháng giảm 10,4%, ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, mới đạt 73,8% kế hoạch năm, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020, do tác động của dịch

Covid-19 phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến tiến độ. Giá cả nguyên vật liệu tăng rất cao. Với nông nghiệp, giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng cao; dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Dưới tác động của dịch Covid 19, hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong quý 3, tăng đến nửa triệu so với quý 2. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 3,98%, cao nhất trong một thập kỷ qua và vượt xa tỷ lệ thất nghiệp trong những giai đoạn khó khăn khác của nền kinh tế. Theo một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đứt gãy chuỗi cung ứng là một nguyên nhân chính khiến DN tạm đóng cửa. Trong 11 tháng năm 2021, có 106.500 DN tạm ngừng kinh doanh; trong đó, có 54.400 DN rút lui khỏi nền kinh tế, chiếm 51,5% số DN thành lập mới. Điều này phản ánh khu vực DN có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm đã bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Tăng trưởng 2021 ở mức thấp

Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam sáng 13/10, Ngân hàng thế giới (World Bank) hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 2%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố hồi tháng 9. Mức dự báo mới dựa trên cơ sở GDP quý 3 suy giảm sâu 6,2% (so với cùng kỳ năm trước) và mức độ kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý 4 khi hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế. Đầu tháng 10, SSI Research điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 2,5 - 2,8%, từ 3,5% trước đó và cho rằng dự báo tăng trưởng GDP trong quý 4 sẽ khó có thể ngay lập tức quay lại mức tăng trưởng cao. Dự báo mới nhất đến từ VNDirect, cho cả năm 2021, tổ chức này nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ tăng khoảng 2,2%. Trước đó, VNDirect kỳ vọng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đạt mức tăng 3,9%. Đó là một số tổ chức đưa ra dự báo mới nhất ngay sau khi dịch COVID-19 tại Việt Nam dần được kiểm soát.

Đánh giá thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra trong 2 năm 2020, 2021, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Thành Phong cho biết, ước tính 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD. Theo ông Phong, nếu giả định năm 2020, 2021 không có đại dịch thì GDP của nền kinh tế Việt Nam tăng 7%, nhưng năm 2020, GDP tăng 2,91% và năm 2021 dự kiến tăng chỉ 2,5%. Như vậy, tính toán năm 2020, giá trị thiệt khoảng 160.00 tỷ đồng và năm 2021 là 346.000 tỷ đồng. “Tính cả 2 năm 2020, 2021 cộng lại, số thiệt hại về mặt giá trị kinh tế khoảng 507.000 tỷ đồng theo giá năm 2010. Còn tính theo giá hiện hành, con số này lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD” - ông Phong nêu.

Khẩn trương các giải pháp tạo đòn bẩy cho tăng trưởng

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, sự suy giảm GDP trong quý 3 chỉ là nhất thời, GDP sẽ đảo chiều khi các biện pháp mở cửa thị trường được kích hoạt. Chúng ta có thể không đạt được mục tiêu 3,5 - 4% như dự kiến nhưng vẫn có khả năng tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên, cần kiên định chủ trương mở cửa nền kinh tế. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 vừa qua với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời và quan trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo nền tảng quan trọng.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lưu ý, trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại của nền kinh tế số ca nhiễm mới có thể tăng lên, nhất là tại một số địa phương có độ bao phủ vaccine đang còn thấp. Trong bối cảnh đó, các bộ, cơ quan, địa phương cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, kiên định và giữ vững lập trường quan điểm đó là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, không e ngại, hoang mang, lo sợ trước diễn biến của dịch bệnh nhưng cũng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Chính phủ đang huy động mọi nguồn lực, xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn để hỗ trợ người dân, DN, nhất là ở các lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Bộ KH&ĐT cho biết, các giải pháp của chương trình phục hồi kinh tế chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ, kết hợp với huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của DN… với 5 nhóm giải pháp chủ yếu về y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ DN, hợp tác xã và hộ gia đình, kích thích đầu tư công và cải cách hành chính. Phương châm là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả, gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

"Ứng phó với dịch bệnh cũng là cơ hội để xem xét lại quá trình phục hồi tăng trưởng và thực hiện các khâu đột phá chiến lược, tái cấu trúc mô hình kinh tế cho phù hợp. Việt Nam có cơ hội rất lớn để phục hồi cũng như đầu tư dài hạn về tăng trưởng xanh, chuyển đổi nền kinh tế thông qua cải thiện khả năng kết nối số hóa cũng như Chính phủ điện tử để hoạt động hiệu quả hơn. Những cam kết của Việt Nam về những vấn đề mới như phát triển công nghệ, về chuyển đổi số, cũng như năng lượng tái tạo rất được đón nhận, mở ra cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế." - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam Francois Panchaud