Điều đó giúp Hà Nội trở thành địa danh độc đáo, một nền văn hóa riêng có phảng phất như hương của một loài hoa, vô hình nhưng hiện hữu.
Thú chơi là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, bao trùm lên cuộc sống thường ngày, ở đâu cũng có nó, ở đâu cũng cần nó như một biểu trưng, một tinh hoa. Thú chơi của người Hà Nội là một phần văn hóa của Hà Nội, nó ở khắp mọi lĩnh vực, ở khắp mọi nơi. Từ ăn ngon, mặc đẹp, giao tiếp tinh tế, ngôn ngữ đến nền nếp gia phong…, những thứ tưởng như bình thường mà làm nên cốt cách riêng có của Hà Thành, nơi hội tụ cả nước và là niềm tự hào của cả nước.
Ai trong đời chẳng muốn sống gần gũi với thiên nhiên, chan hòa cùng con vật, hoa lá, cảnh sắc giếng nước, cây đa làng. Ở trong cảnh chật chội, thiếu vắng thiên nhiên của thành phố, người ta phải tạo ra những gì phù hợp với tâm hồn mình và thế là thú chơi hoa, cây cảnh, thả chim, thả cá ra đời. Làm sao trong phòng ngủ vẫn luôn có bóng dáng thiên nhiên, thế là sinh ra nghệ thuật cắm hoa, trồng cây, chơi hoa lá. Ngôi nhà ống, thường đơn điệu, có chỗ cho mưa nắng tự nhiên, có cây cối gợi nhớ tới làng quê quen thuộc hoặc thể hiện một triết lý sống mình theo đuổi, thế là khoảng không gian có nắng gió, hòn non bộ non nước hữu tình, cây cối dáng trực dáng hoành ra đời. Con người sống có xã hội, sống sao để hàng phố láng giềng khỏi cười chê, vậy là có cách giao tiếp, cách nói nho nhã, tử tế. Ra đường còn về nhà, sao cho trong sạch, trên kính dưới nhường, vậy là nếp gia phong hình thành, như một luật bất thành văn.
Ngày Tết là ngày ăn và chơi. Ăn thì đã có cách ăn, thức ăn, nơi ăn, bạn ăn nâng lên thành nghệ thuật. Còn trong chơi, con người được dịp bộc lộ tài nghệ, được giao tiếp, được tìm mới. Và thế là sinh ra các trò chơi, chỗ chơi, mẹo luật chơi. Nơi chơi có đám hội. Đám hội có các trò chơi bịt mắt bắt dê, bịt mắt bắt vịt, bắt lươn, đập ống, chơi ô ăn quan, cờ tướng, thả diều, đấu vật…, đơn giản, dễ hiểu, dễ chơi mà vẫn không mai một, có thể truyền từ đời này sang đời khác. Trò chơi, thú chơi trở thành bản sắc làm nên cốt cách bền vững của cộng đồng, thậm chí phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác.
Ngày nay, các trò chơi truyền thống của Việt Nam phải hứng chịu sức ép của đồ chơi giá rẻ nước ngoài tràn vào qua con đường nhập lậu và điều kiện xã hội đã thay đổi, tâm lý người chơi đã khác. Đó là những thách thức lớn không chỉ với một mỹ tục, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới hàng chục làng nghề, hàng ngàn lao động. Một con tò he bằng bột gạo xanh đỏ trên que tre, một đèn Trung thu hình con thỏ, con cá thắp bằng hạt bưởi, một trò chơi ô ăn quan với mấy viên sỏi… làm sao có thể hấp dẫn bằng những ô tô, tàu bay, tàu thủy… có thể chuyển động, bay lên hạ xuống tùy ý người chơi; các siêu nhân, súng đạn có thể nổ thật, sát thương thật; các trò game ùng oàng với xe tăng, máy bay, võ thuật đầy bạo lực, ảo mà như thật? Các đồ chơi đó bán đầy đường, với giá rất rẻ, với đủ thứ quảng cáo bắt mắt, phù hợp với tâm lý người chơi và người có tiền chiều con cháu, tất nhiên sẽ lấn át những đồ chơi truyền thống.
Thú chơi cũng bị phai nhạt không kém. Ngày xưa, thú chơi chỉ “Thu ăn măng trúc Đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen Hạ tắm ao” là kỳ thú. Giờ thì vô kể, cho mọi sở thích, mọi tầng lớp. Xưa, mùa hạ sang thu là cốm, là sen. Người uống trà sen, ngoài trà ngon hương thơm còn cần có thì giờ để thưởng thức. Bây giờ thì giờ đâu? Bây giờ sống nhanh, ăn nhanh. Thì giờ nấu nướng để làm việc khác ra tiền hơn, rồi dùng tiền đó ra các nhà hàng, quán trà chanh, quán bia, rượu, các vũ trường cho nên thật hiếm có cô gái thích nấu ăn và nấu ăn ngon. Cuộc sống tiện nghi có công nghệ giúp sức và nhịp sống nhanh giúp người ta rất nhiều nhưng cũng làm con người lười hóa, mất khả năng sáng tạo trong cuộc sống thường ngày. Còn mặc, ngày xưa các ông, các bà chỉ có the, đoạn, gấm, lĩnh, kiểu cách chỉ có vài ba, nhưng bây giờ chỉ cần ngó qua các buổi trình diễn thời trang, sẽ có vô số mốt, vô số chất liệu.
Nhưng nói thế để rồi bó tay chăng? Không phải vậy. Có hai cách để tiếp nối và phát huy truyền thống. Cách thứ nhất, ra sức giáo dục dân để họ hiểu, họ say mê với truyền thống và tìm cách cho truyền thống sống được, bằng khôi phục các làng nghề làm đồ chơi, làm sống lại các lễ hội, trò chơi và ngăn cấm các đồ chơi giá rẻ, không rõ nguồn gốc; các trò chơi nhập ngoại kích thích dâm ô, bạo lực, gây nghiện, tốn thời gian và sức khỏe vào Việt Nam. Thứ hai là khuyến khích các đồ chơi, trò chơi truyền thống vươn lên theo hướng hiện đại, phù hợp với cuộc sống và tâm lý người chơi hôm nay, đổi mới đồ chơi, trò chơi đậm chất Việt Nam nhân văn, hòa bình, thân thiện với thiên nhiên. Chẳng hạn, vẫn đèn Trung thu ấy nhưng nhiều hình thù hơn, có nhấp nháy đèn thay cho chỉ có đèn dầu. Vẫn là ô ăn quan nhưng sinh động hơn, có được thua khó đoán hơn.
Tất nhiên là cần nhiều thời gian và công sức nhưng chỉ kết hợp hai con đường đó, những thú chơi thanh lịch, giàu chất văn hóa của người Hà Nội mới còn mãi và ngày càng phát huy phong phú, đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu con người và cuộc sống hôm nay.