Một ngày trước đàm phán Mỹ - Trung: Washington "ra đòn" mạnh tay nhất với Huawei

Hương Thảo (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Loạt cáo buộc hình sự với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vừa đươc đưa ra có thể cản trở nỗ lực chấm dứt cuộc chiến thương mại của Washington - Bắc Kinh.

Ảnh minh họa 
Bộ Tư pháp Mỹ hôm 28/1 đã chính thức công bố hai trường hợp vi phạm của tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei, trong đó nêu chi tiết một loạt các cáo buộc.
Theo đó, trong nhiều năm, Huawei đã tiến hành đánh cắp công nghệ thử nghiệm điện thoại độc quyền của T-Mobile, được gọi là "Tappy", dựa trên việc Huawei là đơn vị cung cấp điện thoại cho T-Mobile và có quyền truy cập vào một số thông tin về Tappy.
Huawei hiện đang chế tạo robot thử nghiệm điện thoại của riêng mình tại Trung Quốc, và công ty này, theo các công tố viên liên bang tuyên bố, đã liên tục chỉ đạo nhân viên của mình thu thập thông tin chi tiết về cách Tappy vận hành - điều đã vi phạm các thỏa thuận bảo mật giữa doanh nghiệp này với T-Mobile.
Các nhân viên được cho là đã bị yêu cầu gửi nhiều thông tin nhạy cảm như ảnh, số đo và số seri của các thành phần khác nhau. Thậm chí một nhân viên đã bị bắt khi đánh cắp một trong những cánh tay của robot bằng cách giấu vào túi của mình. Theo cáo trạng, Huawei sau đó còn cản trở công lý khi T-Mobile đe dọa kiện doanh nghiệp này.
Chính phủ Mỹ cùng ngày còn công bố bản cáo trạng với 13 tội danh chống lại Huawei và giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu từng được lập tại tòa án liên bang Brooklyn. Tài liệu này nêu chi tiết một kế hoạch đánh lừa các tổ chức tài chính và chính phủ Mỹ về hoạt động kinh doanh tại Iran hòng phá vỡ lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran.
Theo đó, sự vi phạm của Huawei đã bắt đầu từ giữa năm 2007, khi bà Mạnh và Huawei tuyên bố rằng một chi nhánh của doanh nghiệp này, Skycom, là một công ty riêng biệt để tiến hành kinh doanh ở nước ngoài, trong khi thực tế nó là một công ty con. Điều này cũng được chỉ ra trong một tuyên bố sai với ngân hàng HSBC của bà Mạnh Vãn Chu vào năm 2013. HSBC sau đó được cho là đã xóa hơn 100 triệu USD trong các giao dịch Skycom tại Mỹ từ năm 2010-2014.
Vụ bắt giữ bà Mạnh hồi tháng 12 năm ngoái đã gây ra một cơn bão chính trị và làm căng thẳng mối quan hệ giữa Mỹ, Canada và Trung Quốc. Tuy nhiên hôm 28/1, Washington một lần nữa khẳng định quyết tâm dẫn độ nữ giám đốc tài chính của Huawei, trong khi một phiên tòa mới của bà Mạnh tại Canada đã được ấn định vào ngày 6/2 tới.
Quốc hội Mỹ hiện cũng đang xem xét một dự luật cấm bán các linh kiện của Mỹ cho bất kỳ công ty viễn thông nào của Trung Quốc đã vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu hoặc các biện pháp trừng phạt của Washington - động thái rõ ràng đang nhắm vào Huawei.
Đáng chú ý hơn, các căng thẳng dâng cao này diễn ra đúng vào lúc Mỹ - Trung đang chạy đua để đạt được những thỏa thuận thương mại có lợi cho cả hai bên trước ngày 1/3 - hạn thuế quan 200 tỷ USD của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên 25% từ 10% trước đó. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến ​​sẽ tới Washington để tiến hành vòng đàm phán kéo dài 2 ngày, dự kiến bắt đầu vào ngày mai (30/1).