Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Thuận:

Một người đàn ông xin khai thác 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bình Thuận vừa trình lên lãnh đạo tỉnh này về việc ông Huỳnh Phú Tân xin khai thác 3 tấn vàng ở sông Cà Ty, con sông đẹp nhất thành phố Phan Thiết. Sự việc này đang được nhiều người đặc biệt quan tâm theo dõi.

Khu vực gần cầu Lê Hồng Phong bắc qua sông Cà Ty, khu vực dòng sông đẹp nhất thành phố Phan Thiết. Theo giấc mơ của ông Huỳnh Phú Tân, nơi đây tồn tại khoảng 3 tấn vàng, do quân đội Nhật cất giấu.
Khu vực gần cầu Lê Hồng Phong bắc qua sông Cà Ty, khu vực dòng sông đẹp nhất thành phố Phan Thiết. Theo giấc mơ của ông Huỳnh Phú Tân, nơi đây tồn tại khoảng 3 tấn vàng, do quân đội Nhật cất giấu.

Trước đó, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bình Thuận đã có Công văn số 763/SVHTTDL - QLVHGĐ ngày 29/3/2024 phúc đáp và hướng dẫn ông Huỳnh Phú Tân thực hiện các nội dung để được xem xét việc xin khai thác khoảng 3 tấn vàng do quân đội Nhật chôn giấu dưới sông Cà Ty, theo đơn đề nghị ngày 15/3/2024 của ông Tân, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bình Thuận, trong đơn xin khai thác vật quý của ông Huỳnh Phú Tân, cho thấy không thực hiện theo đúng các nội dung hướng dẫn của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch. Cụ thể ông Tân không có phương án thăm dò và phương án khai thác vật quý, mà chỉ nêu ra một số ý về thời gian, cách thức thực hiện và xử lý tài sản sau thăm dò.

Sông Cà Ty vẫn đang được đồn thổi có ẩn chứa kho vàng, nhưng cở sở nào để xác thực có kho vàng thật hay không, đó là câu chuyện dài thật ly kỳ.
Sông Cà Ty vẫn đang được đồn thổi có ẩn chứa kho vàng, nhưng cở sở nào để xác thực có kho vàng thật hay không, đó là câu chuyện dài thật ly kỳ.

Đồng thời ông Tân không cung cấp được bất kỳ tài liệu, hình ảnh, thông tin nào liên quan để chứng minh được có diễn ra sự việc và nguồn gốc về nơi chôn giấu vật quý (kho báu). Qua hai lần tiếp và làm việc trực tiếp với ông Huỳnh Phú Tân tại Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (ngày 13/3 và ngày 10/4/2024), ông Huỳnh Phú Tân cũng không cung cấp được thông tin gì cụ thể, rõ ràng đến sự việc và nguồn gốc về nơi chôn giấu vật quý.

Ông nói chỉ nghe một người quen hiện đang sống ở Tánh Linh (khoảng 80 tuổi) kể lại và người này đặt vấn đề để ông đứng ra xin khai thác (không phải cụ tổ như ông ghi trong đơn xin khai thác 3 tấn vàng). Nhưng ông cũng không cung cấp thông tin cụ thể của người này.

Từ thực tế nêu trên, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bình Thuận khẳng định không có cơ sở để xem xét, giải quyết việc xin khai thác vật quý dưới sông Cà Ty theo như đơn đề nghị của ông Huỳnh Phú Tân. Vật quý mà ông Huỳnh Phú Tân ghi trong đơn xin khai là vàng (khoảng 3 tấn), đây không phải là di sản văn hóa (di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật), nên không thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch.

Câu chuyện về có một kho vàng ở khu vực cầu Lê Hồng Sông bắc qua sông Cà Ty (thành phố Phan Thiết) vẫn đang làm mê hoặc nhiều người.
Câu chuyện về có một kho vàng ở khu vực cầu Lê Hồng Sông bắc qua sông Cà Ty (thành phố Phan Thiết) vẫn đang làm mê hoặc nhiều người.

Theo Nghị định 05/2017/NĐ-CP ngày 16/1/2017 của Chính phủ, quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam, quy định đối với nhóm tài sản bị chìm đắm (chôn giấu) là vàng như trong đơn đề nghị của ông Huỳnh Phú Tân, thì thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 5 Điều 12, Sở Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì.

Theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ, quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân: đối với nhóm tài sản bị chìm đắm (chôn giấu) là vàng như trong đơn đề nghị của ông Huỳnh Phú Tân, thì thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 4 Điều 22, Sở Tài chính là cơ quan chủ trì.

Từ những quy định trên, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bình Thuận kiến nghị UBND tỉnh thống nhất không xem xét, giải quyết đối với đơn xin khai thác vật quý ngày 01/4/2024 của ông Huỳnh Phú Tân. Lý do ông Huỳnh Phú Tân không cung cấp được thông tin, hình ảnh, tư liệu gì cụ thể, rõ ràng để chứng minh có sự việc và nguồn gốc về nơi chôn giấu vật quý.

Khu vực gần cầu Lê Hồng Phong bắc qua sông Cà Ty, nơi ông Huỳnh Phú Tân tin rằng có khối lượng vàng khổng lồ và theo đuổi giấc mơ tìm vàng.
Khu vực gần cầu Lê Hồng Phong bắc qua sông Cà Ty, nơi ông Huỳnh Phú Tân tin rằng có khối lượng vàng khổng lồ và theo đuổi giấc mơ tìm vàng.

Trường hợp ông Huỳnh Phú Tân tiếp tục kiến nghị xin khai thác vật quý với điều kiện cung cấp thông tin, hình ảnh, tư liệu chứng minh được có sự việc và nguồn gốc về nơi chôn giấu vật quý, đề nghị UBND tỉnh giao cho các cơ quan chức năng tiếp nhận, tham mưu giải quyết theo quy định tại Nghị định 05/2017/NĐ-CP ngày 16/1/2017 và Nghị định số 29/2018/NĐ[1]CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ.

Được biết, ông Huỳnh Phú Tân (42 tuổi, trú huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu). Ông Tân là người có đơn gửi UBND tỉnh Bình Thuận và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, xin thăm dò, khai thác "kho báu" 3 tấn vàng dưới dòng sông Cà Ty. Ông mạnh dạn xin ký quỹ 500 triệu đồng để được khai thác. Theo trình bày của ông Tân, ông tổ của ông đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới dòng sông Cà Ty, đoạn qua thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Tuy nhiên, do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn. Hiện thông tin về "kho báu" truyền đến đời ông Tân và chỉ ông biết được địa điểm. "Tôi xin cam kết nếu được cho phép khai thác, tôi xin ký quỹ khắc phục môi trường tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận số tiền 500 triệu đồng...", ông Tân cam kết trong đơn. Ngoài ra, ông Tân còn xin nhận lại 30% tổng tài sản thu được từ "kho báu", 70% còn lại sẽ bàn giao cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận.