Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một số biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong đợt rét đậm, rét hại

Duy Anh
Chia sẻ Zalo

Không khí lạnh tăng cường những ngày tới đây có thể là thời gian rét nhất của đợt rét đậm, rét hại lần này. Dự báo nhiệt độ thấp nhất sẽ giảm xuống 7-10 độ, khu vực vùng núi chỉ từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ, có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết

Ở Lào Cai, xác suất xảy ra băng giá cao nhất là ở Sa Pa và đỉnh Fansipan. Trong tình hình thời tiết buốt giá như thế này, người dân cần chú ý giữ ấm, hạn chế ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm muộn.

Bên cạnh đấy, cần có các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lào Cai chia sẻ với bà con nông dân một số lưu ý các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, hoa màu, vật nuôi như sau:

Che chắn cây trồng bằng nilon

Theo dõi sát tình hình rét đậm, rét hại trên phương tiện thông tin đại chúng, chủ động che chắn cây trồng bằng nilon, đồng thời phủ rơm rạ trên mặt luống để giữ ấm cho cây, tránh mưa, rét, thực hiện biện pháp phòng, chống rét theo hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan khuyến nông. Tốt nhất là nên có phương án thu hoạch sớm đối với rau màu để đảm bảo năng suất và chất lượng.

Chủ động phòng chống sương muối

Trong những ngày có sương muối giá buốt, bà con cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng.

Giữ ấm cho gia súc, gia cầm

Tuyệt đối không chăn thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại, mưa tuyết, không thả đàn gia súc trên núi cao, cần đưa đàn gia súc xuống khu vực thấp hơn, nuôi nhốt trong chuồng kín, tránh gió lùa.

Che chắn chuồng trại cẩn thận, sử dụng những vật liệu có sẵn như bạt, phên nứa, bao tải...để che chắn tránh gió lùa, mưa hắt; tránh để nền trại ẩm ướt, lầy lội (sử dụng rơm, cỏ, lá chuối khô, bẹ ngô… khô để lót nền chuồng). Tăng cường áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, cân đối khẩu phần thức ăn nhằm giúp đàn vật nuôi đảm bảo sức khỏe để kháng lại các tác động bất lợi của thời tiết nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh.

Chủ động dự trữ thức ăn thô xanh, bảo quản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ (ủ chua thức ăn thô xanh, rơm khô, cỏ khô…); không cho trâu, bò làm việc khi thời tiết rét đậm, rét hại; đưa trâu bò về nơi nuôi nhốt có kiểm soát, đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh bột, muối, khoáng trong những ngày rét đậm, rét hại.

Thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi, máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi; định kỳ phun thuốc khử trùng tiêu độc (1 - 2 lần/tuần) nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh; có hố sát trùng trước cửa ra vào khu vực chăn nuôi.

Kỹ thuật che phủ nilon chống rét cho rau màu

Dùng tre, nứa cật vót mỏng 1 cm, rộng 2 cm, dài 2 – 2,2 m đủ làm khung cho luống rộng 1,2 m, cao 0,4 – 0,7 m, cứ 1,5 – 1,7 m chiều dài luống cắm 1 thanh làm vòm khung. Sau đó, lấy 1 thanh tre dài buộc liên kết các vòm ở phần đỉnh, hai bên hông khung cũng được buộc liên kết bằng thanh dài hoặc nối dây mềm làm toàn bộ khung có kết cấu vững chắc, gặp gió bấc mạnh cũng không bị gẫy đổ.

Dùng nilon màu trắng, mỏng, dai, không bị rách thủng trùm kín luống rau, mạ trên khung vòm, đỉnh khung cách mặt luống mạ 0,4 – 0,7 m. Nilon được kéo lợp kín cả hai đầu vòm, hai bên mép nilon được đè chèn bằng bùn ở hai bên rãnh luống tạo thành một buồng kín.