Một số điểm mới của các Luật bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Công an nhân dân 2014, Luật đầu tư 2014... với một số điểm mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 như sau.

1. Đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp

Theo Luật Doanh nghiệp 2014, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) được đơn giản hóa như sau:

- Hồ sơ không cần phải có văn bản xác nhận vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề;

- Giảm thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) xuống 03 ngày làm việc (hiện nay là 05 ngày);

- Nội dung GCNĐKDN chỉ còn 4 mục chính, bỏ mục ngành nghề kinh doanh, số cổ phần và giá trị vốn cổ phần đã góp của công ty cổ phần…

Ngoài ra, các trường hợp sau sẽ bị thu hồi GCNĐKDN: 

- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký DN là giả mạo;

- DN do người bị cấm thành lập DN đăng ký thành lập;

- DN ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;

- DN không gửi báo cáo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;

- Do tòa án quyết định.

2. Một số quy định mới của Luật công an nhân dân 2014

Ngày 9/12/2014, Chủ tịch nước ký lệnh 33/2014/L-CTN công bố Luật công an nhân dân 2014. Theo đó, có những điểm nổi bật sau:

- Học sinh, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được phong cấp bậc hàm cao hơn một bậc.

- Hạn định số lượng cấp Tướng, cụ thể:

+ Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;

+ Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an (số lượng thứ trưởng có hàm Thượng tướng không quá 6);

+ Trung tướng, Thiếu tướng: Theo quy định tại Điểm c, d Khoản 1 Điều 24 Luật này.

- Thời hạn thăng cấp bậc hàm trong mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm; sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng không quá 57 tuổi; trừ trường hợp có yêu cầu của Chủ tịch nước.

- Quy định cụ thể cấp bậc hàm của sĩ quan Công an nhân dân biệt phái.

Luật này có hiệu lực từ 01/07/2015. Các quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực từ ngày Luật được công bố.

3. Các trường hợp được tuyển thẳng vào cao đẳng nghề

Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT được tuyển thẳng vào đào tạo ở trình độ cao đẳng nghề trong các trường hợp sau:

- Có bằng tốt nghiệp trung cấp loại giỏi trở lên và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;

- Có bằng tốt nghiệp trung cấp loại khá và có ít nhất 02 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;

- Đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia thì được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.

Nội dung nêu trên được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Cũng theo Luật này thì người học các trình độ trung cấp, cao đẳng sẽ được miễn học phí trong các trường hợp sau:

- Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định; 

- Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; 

- Người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;

- Người học các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định; 

- Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

4. Điều kiện đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Từ 1/7/2015, Luật đầu tư 2014 chính thức đi vào cuộc sống với nhiều điểm mới đáng chú ý, như là:

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam và điều kiện khác theo điều ước mà Việt Nam là thành viên.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau:

-  Tỷ lệ sở hữu tại công ty niêm yết, đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán.

-  Tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác.

-  Tỷ lệ sở hữu không thuộc quy định tại hai điểm nêu trên thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước mà Việt Nam là thành viên.