Theo thông tin được WHO tuyên bố hôm 20/10, quốc gia đông dân nhất châu Phi này đã khống chế được dịch Ebola sau 42 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm mới.
Ông Rui Gâm Vaz, đại diện WHO tại Nigeria cho rằng, đây là thành công lớn nhất chứng minh với thế giới rằng Ebola có thể kiểm soát được.
Trước đó, hôm 19/10, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 61 của Hội đồng khu vực miền Đông Địa Trung Hải ở Tunisia, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan cũng cho biết, Senegal đã chính thức thoát khỏi dịch Ebola từ hôm 17/10.
Ngày 19/10, Trong thông điệp “thư gửi thế giới” phát trên kênh BBC của Anh, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cảnh báo, dịch bệnh Ebola ở Tây Phi không chỉ là một cuộc khủng hoảng về y tế mà đang gây ra thảm họa kinh tế, để lại hậu quả là “một thế hệ bị đánh mất” của thanh niên ở các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng LHQ, ít nhất 3.700 trẻ em tại Liberia, Guinea và Sierra Leone mất cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ kể từ khi dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi vào tháng 3 vừa qua.
Dù đang có nhiều tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống Ebola trên toàn cầu song không vì thế mà các biện pháp đề phòng được phép lơi lỏng.
Theo một quan chức ngoại giao của EU, thế giới cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đối phó cuộc khủng hoảng đang đe dọa cướp đi sinh mạng của hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người trên thế giới.
Phát biểu bên lề cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên EU, tại Luxembourg hôm 20/10, ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thông báo khối này đã nhất trí chỉ định một điều phiếu phối viên để đảm bảo các biện pháp đối phó của châu Âu với đại dịch Ebola phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, EU cũng sẽ lập các nhóm phản ứng nhanh, gồm các chuyên gia y tế tự nguyện để khoanh vùng các ổ dịch, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Một quỹ hỗ trợ trị giá 1 tỷ Euro (tương đương 1,27 tỷ USD) cũng được EU nhất trí huy động từ nay đến cuối tuần dành cho các nước Tây Phi.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Phi chỉ trích cộng đồng quốc tế phản ứng chậm chạp khi để dịch Ebola bùng phát thành dịch bệnh nghiêm trọng chưa từng có.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton đã thông báo phân bổ khoản viện trợ 500 triệu Euro (khoảng 638 triệu USD) cho cuộc chiến chống Ebola.
Cũng trong nỗ lực khống chế dịch Ebola, ngày 20/10, Brussels Airport đã trở thành sân bay tiếp theo của EU cho lắp đặt máy soi nhằm phát hiện những hành khách có triệu chứng nhiễm dịch Ebola khi hạ cánh xuống cửa ngõ châu Âu này.
Theo số liệu của WHO, dịch Ebola đã làm 4.555 người thiệt mạng trong số 9.216 trường hợp nhiễm bệnh. Liberia, Sierra Leone và Guinea là các quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các bác sĩ ở Liberia điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Ebola - Getty Images
|