Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một số quận, huyện chưa quan tâm thấu đáo việc xây dựng, công nhận lại trường đạt chuẩn Quốc gia

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình, một số quận, huyện chưa chủ động, quan tâm thấu đáo việc xây dựng và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia, còn để vượt quá nhiều thời hạn cần công nhận lại chuẩn Quốc gia (có khi quá 5-7 năm). Hơn nữa, việc đầu tư cơ sở vật chất để đạt trường chuẩn Quốc gia tại một số địa phương chưa đồng bộ, có những tiêu chí dù nhỏ nhưng chưa được quan tâm.

Chiều nay (19/6), đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội có buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT và các sở, ngành liên quan về việc xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) và cải tạo, xây mới trường mầm non (MN), trường phổ thông (PT) công lập trên địa bàn TP.
Theo Sở GD&ĐT, đến tháng 5/2020, tỷ lệ trường đạt CQG toàn TP là 58,8% (1.625/2.748 trường), trong đó công lập đạt 71,6% (1.579/2.206 trường). So với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết 05 ngày 5/4/2012 của HĐND TP, tỷ lệ trường công lập đạt CQG đến năm 2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu; riêng từng cấp học đều đạt và vượt (65-70%) (trừ cấp MN chưa đạt chỉ tiêu, mới đạt 61,5%). Tuy nhiên, công tác xây dựng trường đạt CQG gặp khó khăn do các trường khu nội thành có sĩ số học sinh (HS)/lớp cao vượt quá điều lệ trường học, thiếu diện tích đất và khu sân chơi; trường ngoại thành thì thiếu điều kiện cơ sở vật chất (CSVC), phòng học, phòng bộ môn, thiết bị dạy học. Hơn nữa, việc đầu tư xây dựng cải tạo trường đạt CQG đã được thẩm định, phê duyệt kế hoạch theo các thông tư quy định CQG cũ, nên sau khi hoàn thành vẫn thiếu một số hạng mục để đạt CQG cần được bổ sung. Khi thực hiện quy định của Thông tư mới, số trường cần công nhận lại tăng lên rất lớn do cần hoàn thành việc đánh giá ngoài và công nhận lại CQG trước khi quyết định hết thời hạn 5 tháng. Do khó khăn đầu tư sửa chữa chống xuống cấp, bổ sung thiết bị nên số trường cần công nhận lại rất lớn (năm 2020 cần công nhận lại 621 trường công lập nhưng các quận, huyện chỉ đăng ký 404 trường, còn lại xin chuyển sang những năm tiếp theo).

 Quang cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát về việc xây dựng, công nhận lại trường đạt chuẩn Quốc gia 
Về đầu tư cải tạo, xây mới trường MN, trường PT công lập, từ năm 2012 đến tháng 5/2020 trên địa bàn TP đã xây mới 641 trường và cải tạo 3.579 trường các cấp. Đến năm 2025, tại TP cần xây mới 405 trường và sửa chữa, cải tạo 976 trường. Song, hiện khó khăn chủ yếu là tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới dẫn đến dân số cơ học tăng quá nhanh, gây áp lực sĩ số HS/lớp và số lớp/trường vượt quá quy định tại một số quận; một số khu đất để xây trường MN, TH, THCS trong các khu đô thị mới còn khó GPMB; việc xây trường do thu hồi vốn chậm nên chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm. Cùng đó, các trường thành lập mới trên các địa bàn đô thị hóa nhanh còn ít và chưa được chủ đầu tư quan tâm, gây quá tải tại những trường hiện có trên khu vực; một số phường quỹ đất hạn chế nên không đảm bảo có ít nhất 1 trường công lập tại mỗi cấp MN, TH, THCS (chủ yếu ở 4 quận cũ); thiếu một số cơ chế đặc thù về số tầng cao, mật độ xây dựng, tầng hầm…
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn này, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng kiến nghị HĐND TP chỉ đạo UBND TP thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây trường đáp ứng đủ quy định trường đạt CQG, đảm bảo diện tích trường, diện tích trung bình/HS, sĩ số HS/lớp và điều kiện CSVC theo các thông tư Bộ GD&ĐT mới ban hành; đảm bảo nguồn vốn cho xây mới, cải tạo mua sắm thiết bị cho các trường thực công nhận lại; quan tâm các cấp MN, THPT có tỷ lệ trường đạt CQG thấp và quan tâm những huyện có tỷ lệ trường đạt CQG thấp, có số trường cần công nhận lại lớn. Lãnh đạo Sở cũng đề nghị HĐND TP cho phép cập nhật quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 vào quy hoạch chung của TP đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; ưu tiên dành quỹ đất xây trường khi di chuyển cơ sở sản xuất, trường CĐ-ĐH, trụ sở bộ, ngành trong nội thành ra ngoại thành. Trong những khu vực chuyển đổi chức năng để xây khu ở, khu tập thể cũ được cải tạo xây dựng lại trong khu vực nội đô lịch sử cần ưu tiên mở rộng khuôn viên diện tích đất trường học. Các khu đô thị mới cần ưu tiên xây trường công lập phục vụ nhu cầu của cư dân; TP giao quận, huyện làm chủ đầu tư các quỹ đất dành cho việc xây trường học của khu đô thị mới; khuyến khích xây trường chất lượng cao, quy mô lớn theo mô hình giáo dục hiện đại ở các khu đô thị, khu vực ven đô và đô thị vệ tinh theo hình thức xã hội hóa nhằm giảm tải cho nội đô. Đồng thời, cần tạo cơ chế đặc thù cho việc xây dựng, cải tạo trường học của xã, phường khu vực ngoài đê theo Luật Đê điều; cân đối phù hợp việc xây trường công lập và trường tư thục tại khu đô thị, khu đô thị mới, nhất là khu vực thiếu trường lớp; cho phép trường tư thục đang hoạt động hoặc dự án trường tư thục bổ sung cấp học để thành lập trường có nhiều cấp học.
 Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình phát biểu kết luận 
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình, Trưởng đoàn giám sát khẳng định: Công tác xây dựng trường CQG của TP từ năm 2012 đến nay đạt kết quả khả quan, nhất là tỷ lệ trường công lập đạt CQG đến năm 2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Các sở, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch và thực hiện rất bài bản, đảm bảo CSVC trường học ngày càng khang trang, nâng cao điều kiện học tập cho trẻ em. Tuy nhiên, thực tế giám sát và các ý kiến cho thấy, công tác này còn nhiều vướng mắc, như trường nội thành đảm bảo CSVC nhưng thiếu đất, trường ngoại thành thì ngược lại; trường có chất lượng giảng dạy lại không đảm bảo chỉ tiêu diện tích, số lớp hay sĩ số… Nguyên nhân chủ quan trước hết do một số địa phương chưa chủ động, quan tâm thấu đáo việc xây dựng và công nhận trường CQG, còn để vượt quá nhiều thời hạn cần công nhận lại CQG (có khi quá 5-7 năm). Việc đầu tư CSVC để đạt trường CQG tại một số địa phương chưa đồng bộ, có những tiêu chí dù nhỏ nhưng chưa được quan tâm. Về phía Sở GD&ĐT, bởi khối lượng trường cần công nhận CQG lớn nên Sở chưa bố trí kịp thời lực lượng kiểm tra, đánh giá ngoài tại các địa phương. Việc đầu tư xây dựng mạng lưới trường học theo Nghị quyết HĐND TP cũng chưa đảm bảo mỗi phường/xã có tối thiểu 1 trường công lập ở cấp MN, TH, THCS, do việc rà soát xây dựng quy hoạch đầu tư phát triển, dân số tăng nhanh tại một số quận, hoặc do hạn chế trong tổ chức phân luồng kiểm soát hạn chế việc học trái tuyến…
Để khắc phục, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP đề nghị tới đây, các sở ngành rà soát cập nhật quy hoạch mạng lưới trường học vào quy hoạch của TP, có giải pháp đẩy nhanh công nhận và công nhận lại trường CQG theo kế hoạch, để đảm bảo tỷ lệ thực chất trường CQG và tránh nợ tiêu chí (tại một số địa phương có nhiều tiêu chí chưa đảm bảo). Riêng với Sở GD&ĐT cần tăng kiểm tra, hướng dẫn các địa phương kiểm tra phân luồng trường học, kiểm soát hạn chế học trái tuyến; chỉ đạo rà soát toàn hệ thống trường PT công lập trên địa bàn TP, trong đó xác định rõ những trường chưa đảm bảo chuẩn về diện tích, có danh sách cụ thể trường cần tăng mật độ chiều cao để kiến nghị TP và các bộ ngành T.Ư theo hướng có cơ chế giải quyết chung chứ không theo từng dự án cụ thể như hiện nay. Sở cũng cần tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện và trường khi xây dựng công nhận trường CQG quan tâm hơn tới hoàn thiện hồ sơ trang thiết bị trường học, giảng dạy; rà soát nhu cầu xây trường đến năm 2025.