70 năm giải phóng Thủ đô

Mốt xe đạp điện trở lại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cách đây vài năm, trên thị trường đã xuất hiện nhiều mẫu xe đạp điện nhưng chủ yếu dành cho học sinh, người cao tuổi. Gần đây, phương tiện này đang quay trở lại như một mốt thời trang gây sốt, trở thành chủ đề bàn tán từ giới văn phòng đến các bà nội trợ...

Đa dạng mẫu mã

Cùng với chính sách hạn chế xe gắn máy và việc tăng giá xăng, dầu ở các TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng phương tiện xe đạp điện.

Trên những con phố không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn học sinh, sinh viên “lướt” trên chiếc xe đạp điện. Ưu điểm của loại phương tiện này là gọn nhẹ, không phát ra tiếng ồn của động cơ, không xả khói gây ô nhiễm và chi phí cho "nhiên liệu" - lượng điện tiêu thụ rất thấp. Phần lớn người sử dụng xe đạp điện là học sinh, sinh viên, một bộ phận người cao tuổi, những bà nội trợ hay những người không biết đi xe máy… Chính vì thế, mặt hàng này ngày càng đa dạng về mẫu mã, chủng loại và giá thành để đáp ứng nhu cầu của các "thượng đế".

Mốt xe đạp điện trở lại - Ảnh 1

Nhiều người dân đã chuyển sang dùng xe đạp điện bởi kiểu dáng đẹp, gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí. Ảnh: Yên Chi

Dạo qua một số cửa hàng chuyên cung cấp các loại xe đạp điện trên phố Bà Triệu và phố Huế..., người dân khó có thể rời trước những chiếc xe đa dạng về màu sắc, kiểu dáng của các thương hiệu khác nhau như Yamaha, Honda, Bridgestone, Asama… Tùy vào tính năng, thiết kế và hãng sản xuất khác nhau, một chiếc xe đạp điện trên thị trường hiện nay có giá bán dao động từ 7 đến 18  triệu đồng.  Xe chạy bằng ắc quy có giá khoảng 8 - 12 triệu đồng, còn xe chạy bằng pin khoảng 15 - 20 triệu đồng, tùy loại. Khách hàng thường ưa chuộng các loại xe chạy bằng pin, dù đắt hơn nhưng lại có thời gian chạy lâu hơn.

Anh Nguyễn Huy Hùng, chủ cửa hàng xe đạp điện 220 phố Tôn Đức Thắng cho biết, thường thì bắt đầu năm học mới và sau Tết là thời điểm xe bán chạy nhất. Tuy nhiên, nếu như thời điểm này năm ngoái trung bình cửa hàng chỉ bán được 5 - 10 chiếc/tháng thì năm nay số xe bán được dao động từ 15 - 20 chiếc/tháng. Theo anh Hùng, hiện, các em gái thường chọn xe màu hồng, trắng trang trí thêm giỏ mây còn em nam chuộng màu cà phê, đen.

Mỗi nơi mỗi giá

Cùng với sự sôi động của thị trường, các cửa hàng xe đạp điện theo đó mọc lên như nấm. Tại một số tuyến phố như Nguyễn Lương Bằng, Kim Mã, Bà Triệu… có thể bắt gặp hàng chục cửa hàng bán xe đạp điện. Tuy vậy, khảo sát cho thấy, cùng một nhãn mác, mỗi cửa hàng lại có giá bán khác nhau, thậm chí chênh nhau "một trời, một vực"... Ví dụ cũng sản phẩm xe đạp điện mang nhãn hiệu Yamaha tại một cửa hàng trên phố Bà Triệu có giá 11,5 triệu nhưng cửa hàng khác trên phố Thái Phiên giá chỉ 8,3 triệu đồng. Đa số người đi mua xe đạp điện đều không phân biệt được hàng chính hãng và hàng giả, hàng nhái. Những câu trả lời nước đôi, mập mờ của hầu hết các chủ cửa hàng xe đạp điện, như "đây là hàng chính hãng nhập khẩu Đài Loan", hoặc "mua linh kiện về lắp chứ không thể nhập khẩu nguyên chiếc"... càng làm khách hàng thêm bối rối.

Theo một người có thâm niên kinh doanh mặt hàng này, xe đạp điện chính hãng thường có giá cao, khoảng 20 triệu đồng, trong khi sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc giá thành thực tế chỉ khoảng 6 triệu đồng, nhưng thường được bày bán với giá hơn 9 triệu đồng. Chính vì thế khi mua, khách hàng nên quan tâm tới thông số ắc quy, hệ thống phanh, sạc… của xe. Khi sử dụng, gần hết pin mới nên sạc đầy, tránh sạc đi sạc lại nhiều lần khi pin vẫn còn nhiều. Xe đạp điện có thể đạt vận tốc từ 30 - 40km/giờ, xe lại nhẹ, nên người sử dụng phải làm chủ được tốc độ. Để giữ an toàn, chủ phương tiện cần đội mũ bảo hiểm và bảo dưỡng ắc quy xe định kỳ.