Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mua, bán dữ liệu cá nhân: Tăng chế tài xử lý để tạo sức răn đe

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành vi mua bán dữ liệu cá nhân rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, sử dụng với mục đích thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo... Các chuyên gia luật đề nghị cần thiết xử lý mạnh các đối tượng có hành vi vi phạm, xét xử điểm để răn đe.

Không tiết lộ dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần thiết. Ảnh: Tuấn Anh
Mới đây, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã khởi tố bị can Dư Anh Quý (33 tuổi) và vợ là Lại Thị Phương (29 tuổi, Giám đốc Công ty VNIT TECH) để điều tra về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Ngoài ra, cảnh sát cũng đang điều tra 15 người khác liên quan các đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Theo điều tra, Công ty VNIT TECH chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Từ năm 2020, Phương cùng chồng thu thập, chiếm đoạt, mua trái phép nhiều dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Các dữ liệu cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực như khách hàng điện lực, phụ huynh, học sinh, khách hàng của nhiều ngân hàng; thông tin đăng ký kinh doanh, nhân sự cơ quan Nhà nước, bảo hiểm, hộ khẩu; dữ liệu viễn thông, thuê bao điện thoại; thông tin khách hàng tại các dự án bất động sản; khách hàng điện máy trên toàn quốc; thông tin khách hàng đầu tư tài chính, chứng khoán... Các dữ liệu này bị rao bán công khai thông qua nhiều website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội Facebook, Zalo, diễn đàn…
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lượng dữ liệu này được các đối tượng thu thập từ nhiều nguồn và bằng nhiều phương thức khác nhau, đáng chú ý là lợi dụng quyền quản trị hệ thống thông tin tại một số cơ quan, DN để trích xuất dữ liệu. Quá trình điều tra, các đơn vị nghiệp vụ phát hiện nhiều cá nhân, DN (bảo hiểm, trung tâm ngoại ngữ, bất động sản…) mua dữ liệu với số lượng lớn từ các bị can để sử dụng trái phép nhằm thu lợi bất chính. Một số DN có dấu hiệu khai thác, sử dụng trái phép dữ liệu khách hàng để cung cấp cho bên thứ ba nhằm thu lợi bất chính.

Ngoài vụ việc trên, Bộ Công an đang điều tra vụ gần 10.000 chứng minh Nhân dân, căn cước công dân người Việt bị rao bán trên mạng. Trên diễn đàn tin tặc, một tài khoản có tên Ox1337xO đã rao bán khoảng 17GB dữ liệu là thông tin cá nhân của người Việt Nam. Những dữ liệu này gồm các thông tin như: Họ tên, ngày sinh, ảnh đại diện, địa chỉ, email, điện thoại, chứng minh Nhân dân... Khối dữ liệu trên tin tặc đã rao bán với giá 9.000 USD, tương đương 207 triệu đồng.

Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật; cần thiết truy tố, xét xử điểm để răn đe. Tùy vào mức độ vi phạm của hành vi, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 46 (Nghị định 98/2020/NĐ-CP) hoặc theo Điều 102 (Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự đến 7 năm tù về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015).

Trong khi đó, theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật, phải tăng cường tuyên truyền pháp luật tới người dân để người dân hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân. Mỗi người nên hạn chế công khai các thông tin cá nhân của mình trên mạng xã hội, mạng internet. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường công tác điều tra, xử lý mạnh với đối tượng có hành vi vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung.