Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mua bán online “lên ngôi” thời dịch bệnh

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra đã khiến các siêu thị, cửa hàng ăn uống, rạp chiếu phim… rơi vào cảnh vắng vẻ vì người dân hạn chế tới nơi đông người, tránh lây nhiễm virus.

Để tồn tại, hiện các siêu thị, hộ kinh doanh đang đẩy mạnh chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online.
Siêu thị, quán xá vắng khách
Khác với trước Tết Nguyên đán, các siêu thị, quán ăn luôn đông khách thì những ngày này lại rơi vào tình trạng vắng vẻ, bởi người tiêu dùng lo sợ lây nhiễm virus Corona ở những chỗ đông người.
Nhân viên TTTM Vincom Trần Duy Hưng cho hay, bình thường vào cuối tuần, người dân đổ về Vincom vui chơi, mua sắm rất đông, nhưng mấy hôm nay rất vắng. “Dịch viêm phổi cấp do virus Corona khiến mọi người ít đến TTTM để vui chơi giải trí, mua sắm” - nhân viên này chia sẻ. Tương tự, tại các rạp chiếu phim, lượng khách tới xem phim cũng giảm mạnh. Chị Nguyễn Hoa - nhân viên Trung tâm chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ) nhận xét, thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, Trung tâm chiếu phim Quốc gia luôn đông nghịt khách xem phim, nhưng những ngày này, lượng người xem phim đã giảm mạnh.
 Các cửa hàng kinh doanh tại siêu thị Big C ngày 5/2 vắng khách. Ảnh: Thu Hương
Không chỉ các TTTM, rạp chiếu phim mới lâm vào cảnh vắng khách mà các quán ăn, cà phê, quán trà… cũng trong tình trạng tương tự. Chủ một cửa hàng kinh doanh đồ ăn tại TTTM Vincom chia sẻ, so với cùng kỳ năm trước, hiện doanh thu của quán chỉ bằng 50%, thậm chí thấp hơn khi lượng phủ kín bàn chỉ đạt khoảng 30%. Theo khảo sát của phóng viên tại phố cà phê Triệu Việt Vương, Nguyễn Hữu Huân..., khách hàng tới đây giảm hẳn, nhiều quán xung quanh khu vực các trường đại học đã đóng cửa do sinh viên được nghỉ học 1 tuần.
Đại diện cửa hàng trà sữa Tocotoco trên phố Xã Đàn cho biết, thông thường vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, lượng khách đến cửa hàng trà sữa Tocotoco luôn đông, tuy nhiên dịp này lượng khách đến cửa hàng cũng giảm mạnh.
Thúc đẩy mua sắm online
Để tiêu thụ hàng hóa, những ngày vừa qua các siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội facebook, zalo, website, thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng rồi sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách.
Đại diện trà sữa Tocotoco cho biết, mặc dù lượng khách đến cửa hàng uống trà sữa giảm nhưng những ngày qua, số lượng đơn hàng đặt mua qua mạng, giao tận nơi thông qua shipper đã tăng rõ rệt. Trong đó, có nhiều đơn hàng đặt mua số lượng lớn mang về nhà, công ty thay vì đến cửa hàng uống nước như trước đây. Điều đó cho thấy, mua sắm online đang là “cánh cửa” mới để DN tiêu thụ hàng hóa.
Tại buổi kiểm tra việc dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian diễn ra dịch viêm phổi cấp, do Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức, Phó Tổng Giám đốc Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Big C đang tăng cường hình thức thương mại điện tử, mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm mất sự tươi ngon.
Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đang triển khai hoạt động mua sắm online. Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trước khi diễn ra dịch viêm phổi cấp, tỷ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart đạt khoảng 5 - 10%, nhưng hiện tại lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh. "Hiện, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart đều được "lên mạng".
Khi Việt Nam công bố dịch, kênh bán hàng online của siêu thị đã nhận số đơn đặt hàng tăng lên mỗi ngày. Để kích thích người dân mua sắm online, Co.opmart vận chuyển nội thành miễn phí với hóa đơn mua hàng trị giá trên 200.000 đồng" - bà Dung chia sẻ. Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market khẳng định, hiện phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, điện thoại và giao hàng tận nơi. Vì vậy, hệ thống này cũng đang đầu tư chăm sóc mạnh kênh bán hàng online.
Trong khi đó, để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… lại chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2/2020. Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, việc mở rộng kênh bán hàng online, huy động các DN thương mại điện tử, logistics vào cuộc... cũng là một trong những kịch bản được Bộ Công Thương đưa ra, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm nhưng vẫn hạn chế đến chỗ đông người trong thời kỳ dịch bệnh.

"Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều kịch bản khác nhau, ngay cả phương án ứng phó trong trường hợp xấu nhất, ứng với các cấp độ phát triển của dịch bệnh. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng làm việc với các DN logistics, thương mại điện tử, đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng trong mùa dịch từ hệ thống siêu thị tới người dân. Đây cũng là một cách hạn chế tập trung nơi đông người mà Trung Quốc đang áp dụng tốt, ngành bán lẻ Việt Nam cần học tập." - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Lê Thị Nga