Với riêng khối DN niêm yết, thống kê cho thấy, ngân hàng và bất động sản tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận trên sàn chứng khoán.
Nhiều mảng kinh doanh là điểm sáng
Báo cáo tài chính 9 tháng năm 2019 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho thấy, ngân hàng không chỉ tăng trưởng ở các mảng hoạt động chính như huy động và cho vay mà các khoản thu ngoài lãi cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản của SCB đạt 551.593 tỷ đồng, tăng 43.443 tỷ đồng so với đầu năm, dẫn đầu về tổng tài sản trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh. Các hoạt động phi tín dụng, thu phí dịch vụ tiếp tục là thế mạnh của SCB với mức tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 763 tỷ đồng.
Các hoạt động khác như bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán cũng đạt được kết quả tích cực, tổng doanh số bảo hiểm trong 9 tháng năm 2019 đạt 400 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2018, lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán tăng trưởng 33%, đạt 420 tỷ đồng.
Tương tự, với Nam A Bank, nhiều chỉ tiêu kinh doanh quan trọng của ngân hàng này ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Tổng tài sản đạt 87.820 tỷ đồng (tăng gần 13.000 tỷ đồng so với đầu năm); huy động từ cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 69.145 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng đạt 63.024 tỷ đồng… Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 574 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác như thu nhập lãi thuần và lãi hoạt động dịch vụ cũng có những tín hiệu tích cực.
Với khối bảo hiểm, nghiệp vụ bán lẻ tiếp tục là mảng mang lại lợi nhuận khả quan cho các DN. Đơn cử, tại Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), kết thúc 9 tháng năm 2019, tổng doanh thu đạt 4.186 tỷ đồng, tăng 39.5% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 84% kế hoạch năm.
Trong đó, 2 nghiệp vụ bán lẻ đem lại 83% nguồn doanh thu cho PTI là nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người đã đạt mức doanh thu lần lượt là 1.848 và 1.633 tỷ đồng, tăng trưởng 26.6% và 71.8%. Đặc biệt, nghiệp vụ bảo hiểm con người vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Các nghiệp vụ tài sản kỹ thuật và hàng hải cũng đạt mức doanh thu lần lượt là 546 và 159 tỷ đồng.
Ngân hàng, bất động sản dẫn đầu trên thị trường niêm yết
Dữ liệu từ FiinPro cho thấy, tính đến đầu tháng 11, đã có 832 DN trên cả 3 sàn (HoSE, HNX và UPCoM) công bố báo cáo tài chính. Trong đó, 700 DN (tương đương 85%) báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ.
Động lực cho tăng trưởng của toàn thị trường vẫn đến từ lĩnh vực ngân hàng và BĐS, chiếm gần một nửa lợi nhuận toàn thị trường. Trong đó, riêng 18 ngân hàng niêm yết báo lãi hơn 22.772 tỷ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tỷ trọng vốn hóa chiếm 21%, nhưng lợi nhuận của khối ngân hàng mang về tương đương 30,8% tổng lợi nhuận toàn thị trường.
Với tổng lợi nhuận hơn 11.000 tỷ đồng, các DN bất động sản niêm yết đóng góp tỷ trọng 15,1% vào tổng lợi nhuận của thị trường, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường xét về giá trị vốn hóa với hơn 1 triệu tỷ đồng và gần 70 cổ phiếu đang niêm yết cũng như giao dịch trên UPCoM.
Nếu như ngân hàng có mức tăng trưởng đồng đều thì đà tăng của nhóm bất động sản lại đến từ một vài cổ phiếu trụ cột. Cụ thể, Vinhomes - Công ty bất động sản của Vingroup đạt hơn 5.500 tỷ đồng, chiếm gần 50% lợi nhuận toàn ngành. Theo đó, Fiinpro ước tính nếu loại bỏ VHM, toàn ngành bất động sản chỉ tăng trưởng 3% so với cùng kỳ.
Bảo hiểm cũng là ngành tăng trưởng mạnh với mức 49,3% so với cùng kỳ, đóng góp 774 tỷ đồng và hơn 1% tỷ trọng trong tổng lợi nhuận.
Nhận định về kết quả kinh doanh quý III, báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, kết quả này chưa phản ánh vào diễn biến giá chứng khoán tháng 10 khi mà nhóm VN30 và nhóm VN- Index ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhưng giá lại đi ngang.
“Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ sớm phản ánh kết quả kinh doanh trong thời gian tới, khi mà hoạt động của khối ngoại có thể sẽ sớm đảo chiều và tiền nội đủ để hỗ trợ thị trường” - báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết.