Từng quả chuối căng tròn chi chít nhau, đua nhau khoe sắc khéo léo xếp thành 2 đường vòng, một trên một dưới trông giống hệt hình dáng cái tay nải mà người xưa dùng để gói gém đồ đi xa. Cho nên, người ta cứ vô tình gọi nó là “nải” hay “nải chuối”. Thế rồi, cũng ngẫu nhiên mà từng nải đều đặn xếp lên nhau tạo nên buồng chuối nặng trĩu kéo cả thân và lá xuống. Đứng trên bờ đê nhìn xuống, đôi dải bờ sông quanh co quen thuộc giống như mảnh đất thần tiên đầy hương sắc. Mỗi mùa chuối đến ven sông, gió từ đâu gọi chim chóc ùa về, hót líu lo mỗi sáng tinh sương dìu dịu và trưa vàng nồng nàn hương chuối. Tôi có cảm tưởng, khi ấy quê tôi đâu đâu cũng ngập tràn hương vị của chuối chín, hương vị ngọt ngào, tươi mới đủ để sưởi ấm những làn gió lạnh lùng của mùa thu đồng bằng Bắc bộ. Mỗi mùa chuối, tụi trẻ con chúng tôi cứ quanh quẩn ven sông ngắm nghía hết thảy những buồng chuối đủ loại. Cảm giác ngồi dưới tán chuối lá xanh mướt rồi ngước mắt lên nhìn ánh mặt trời xuyên qua từng kẽ chuối thật lạ.Tưởng như mỗi cây chuối là một người phụ nữ dịu hiền mà cũng đầy nhẫn nại. Thoảng chút, đâu đó những cơn gió len lỏi và lá, vào buồng đem hương chuối đương độ chín thơm nức phả vào mũi, vào miệng... Lúc ấy, chẳng cần chờ chuối chín tới trên cây, chúng tôi hí hửng bẻ trộm vài nải đem giấu vào đống rơm sau nhà, để mỗi tối lạ rủ nhau ăn vụng, ăn trộm. Cứ chờ mãi, đến cuối thu, các nhà đua nhau chuẩn bị thang, dao, chặt chuối về giấm chín cho kịp. Từng buồng, từng buồng được cẩn thận đem xuống khi đã tràn căng nhựa sống từ đất và no nắng vàng, gió. Có những quả chín một màu vàng ruộm, chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy no mắt. Mà hương vị thì không chê được, đủ độ nồng của nắng, dịu của gió, ngái của đất, một hương vị đậm đà không lẫn vào bất cứ loại chuối nào của vùng đất khác. Những buồng với những quả căng tròn ấy, được đem vào giấm bằng trấu chừng 1 tuần cho màu vàng đều rồi đem lên chợ huyện. Từng quả vàng ươm cứ mời gọi khắp mọi nhà. Ai vô tình đi qua nhìn thấy đều ngạc nhiên rằng: “Đã cuối thu rồi nhỉ?”