Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa dầm liên tục, Cà Mau chuyển từ phòng cháy rừng sang phòng sạt lở

Nhật Hồ/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Mưa dầm liên tục, tỉnh Cà Mau ngưng toàn bộ nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng để tập trung phòng chống sạt lở, thiên tai trên biển do sạt lở đất, ngập nước.

Một đoạn đường thuộc huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau sạt lở chia cắt giao thông. Ảnh: Nhật Hồ
Một đoạn đường thuộc huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau sạt lở chia cắt giao thông. Ảnh: Nhật Hồ

Ngày 16.6, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Cà Mau (Ban Chỉ đạo) chính thức có văn bản đề nghị các chủ rừng ngưng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2022 – 2023.

Theo Ban Chỉ đạo, sau hơn 4 tháng đối mặt với khô hạn, nhiều cánh rừng tràm U Minh Hạ và rừng trên các cụm đảo trong tỉnh luôn chống chọi với nguy cơ cháy dự báo ở cấp cháy nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.

Mưa liên tục, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Cà Mau tạm thời ngưng hoạt động chuyển sang phòng chống sạt lở. Ảnh: Nhật Hồ
Mưa liên tục, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Cà Mau tạm thời ngưng hoạt động chuyển sang phòng chống sạt lở. Ảnh: Nhật Hồ

Đến thời điểm này, nhất là sau những cơn mưa trên diện rộng, mùa khô năm 2022 – 2023 chính thức khép lại, nguy cơ cháy rừng đã hạ nhiệt trên những cánh rừng trong tỉnh.

Do đó, Ban Chỉ đạo đề nghị các chủ rừng ngưng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2022 – 2023, không phân công lực lượng trực thứ Bảy, Chủ Nhật và báo cáo tình hình phòng cháy chữa cháy rừng hàng ngày về Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh kể từ sau ngày 15.6 nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tuy nhiên, theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giảm đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết có thể xuất hiện các đợt nắng nóng, khô hạn cục bộ ở những khu vực có khả năng xảy ra cháy rừng, nên chủ rừng không chủ quan, lơ là. Nếu phát hiện cháy rừng phải kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện dập tắt không để cháy lan.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2023.

Sạt lở đất diễn ra nhiều nơi tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ
Sạt lở đất diễn ra nhiều nơi tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Để chủ động, kịp thời ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau theo dõi sát tình hình thời tiết, thiên tai, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống...

Sạt lở đất khiến nhiều nhà dân trôi xuống sông tại huyện Dầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ
Sạt lở đất khiến nhiều nhà dân trôi xuống sông tại huyện Dầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Chỉ tính riêng huyện Đầm Dơi, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 97 vụ sạt lở đất ven sông, ven biển. Trong đó, những ngày đầu tháng 6.2023 đã xảy ra 30 vụ sạt lở, làm hư hỏng hoàn toàn 106 m kè bê tông, sập và hư hỏng gần 20 căn nhà, thiệt hại 3.000 m² đất rừng, 1.100 m² đất nuôi trồng thủy sản, 1.639 m lộ giao thông nông thôn, hư hỏng 9 cống xổ tôm, ảnh hưởng đến 97 hộ dân, ước tổng thiệt hại khoảng hơn 5 tỉ đồng.