Tivi giảm giá 'khủng'
Những ngày này, tại các cửa hàng điện tử, siêu thị điện máy trên địa bàn Hà Nội đều đua nhau treo áp phích, biển hiệu với nội dung hấp dẫn như "Đồng hành cùng EURO"; “Xem EURO trúng quà tiền triệu”...
Chẳng hạn, siêu thị MediaMart đang tổ chức chương trình giảm giá từ 24 - 29% cho sản phẩm Smart Tivi 4K nhãn hiệu Sony, ThinQ AI, Sharp… Không chịu thua kém, siêu thị điện máy HC, Pico tổ chức chương trình khuyến mại “Cuồng nhiệt với EURO” giảm giá đến 50% cho các sản phẩm tivi. Siêu thị Nguyễn Kim đưa ra chương trình giảm giá “Tranh cúp tại gia” với mức giảm từ 13 - 30% với nhiều dòng tivi tầm trung và cao cấp.
Mùa EURO năm nay, do dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách nên đa phần người tiêu dùng xem bóng đá tại nhà. Do vậy, các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá giờ vàng, giao hàng tận nơi...
Thực tế cho thấy, không chỉ hệ thống siêu thị mới tổ chức giảm giá cho sản phẩm tivi mà DN sản xuất cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến mại cho các sản phẩm này. Từ nay đến 30/6, Sony Việt Nam ưu đãi lớn cho khách mua một số dòng tivi Sony BRAVIA, với mức giảm lên tới 13 triệu đồng, tặng thêm 1 năm bảo hành.
Tương tự, từ nay đến 31/7, Samsung Vina cũng thực hiện chương trình ưu đãi cho sản phẩm tivi kích thước lớn như Neo QLED 8K, QLED 4K, UHD, The Frame, The Premiere, đồng thời người dùng còn có thể tận hưởng đặc quyền giải trí không giới hạn với thư viện nội dung chuẩn 8K trong 12 tháng trên ứng dụng VieON trị giá 8 triệu đồng.
Cẩn thận khuyến mại ảo
Thực tế cho thấy, mặc dù các siêu thị điện máy tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá nhưng không thu hút được lượng khách hàng như mong muốn. Đại diện siêu thị HC cho biết, dù khuyến mại lớn, giá giảm nhưng số lượng bán ra vẫn không khả quan, doanh số bán tivi khá ế ẩm khi cả tuần chỉ vài ba chiếc.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến sức tiêu thụ tivi không tăng như mong muốn là do thị trường tiêu thụ hiện quá quen với chiêu câu khách giảm giá mỗi dịp có sự kiện của các siêu thị điện máy, đồng thời dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế khó khăn nên sức mua của người dân cũng giảm sút. Quan trọng hơn cả, các mẫu tivi giảm giá sâu tới 40 - 70% chủ yếu là model cũ đã sản xuất được 2 - 3 năm, còn những model mới chỉ giảm nhẹ, khoảng 5 - 10%.
Chị Thanh (ở đường Lê Văn Hiến, quận Bắc Từ Liêm) phản ánh, mới đây mua tivi khuyến mại của siêu thị MediaMart nhưng khi tham khảo giá bán sản phẩm cùng loại tại đại lý điện tử gần nhà mới biết, mặc dù cửa hàng không tổ chức giảm giá nhưng giá tương đương sản phẩm đã khuyến mại của siêu thị. “Những chiếc tivi được giảm giá đến 50 - 60% chủ yếu là hàng tồn kho, mẫu mã cũ nên các siêu thị điện máy tranh thủ tận dụng giảm giá trong thời gian này”, chị Thanh chia sẻ.
Anh Đoàn Mạnh Khuê - chủ cửa hàng Toàn Thắng kinh doanh đồ điện tử trên phố Hai Bà Trưng cho biết, chiêu khuyến mại thường được các nhà bán lẻ áp dụng là nâng giá bán lên cao rồi quảng cáo giảm giá sốc 20 - 50% để thu hút sự chú ý của khách hàng, nhưng thực ra DN bán lẻ vẫn có lãi.
“Khi đưa sản phẩm đến nhà phân phối, bao giờ hãng sản xuất cũng có mức chiết khấu sẵn nên giá đầu vào sản phẩm không cao so với giá khuyến mại. Chẳng hạn, tivi của hãng LG được nhà sản xuất đề nghị giá bán 15 triệu đồng, nhưng thực tế mức giá dành cho nhà bán lẻ chỉ khoảng 9-10 triệu đồng. Vì thế, nếu bán với giá 12 - 13 triệu đồng (đã giảm sâu so với giá đề nghị), người bán hàng vẫn bảo đảm có lãi, thực chất không có chuyện khuyến mại “khủng” như nhiều người lầm tưởng” - anh Khuê chia sẻ. Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ, người tiêu dùng khó được tiếp cận với giá gốc tại hệ thống siêu thị. “Tôi đã nghe nhiều và được biết, một số DN nâng giá sản phẩm, thực hiện khuyến mại sâu, đây được xem là vi phạm nguyên tắc trong kinh doanh”-ông Phú cho biết.
Ý kiến của các chuyên gia kinh tế, đơn vị kinh doanh cho thấy, để mua được tivi với mức giá tốt nhất, người mua cần tham khảo tại nhiều nơi bán hàng khác nhau, tránh trường hợp khuyến mại ảo vì mặt hàng này thường có mức chênh lệch lớn tại các cửa hàng, siêu thị điện máy. Tốt nhất, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm tại các siêu thị điện máy uy tín.
Với mặt hàng điện tử, điện máy như tivi, máy giặt, tủ lạnh… người dân cần cân nhắc, lựa chọn những địa chỉ tin cậy, tham khảo giá cả trước khi mua để không “sập bẫy” giảm giá ảo. Đồng thời, cần so sánh giá bán giữa các hệ thống với nhau, tham khảo thêm các kênh so sánh giá khác để lựa chọn được nơi có giá bán tốt nhất. Người dân có thể gọi điện trực tiếp đến các hệ thống để nắm bắt giá bán cuối cùng thay vì giá niêm yết trên website, yêu cầu các điểm bán công bố ưu đãi, khuyến mại đi kèm. Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung |
Để người tiêu dùng tránh được việc mua các sản phẩm khuyến mại giá không hề rẻ và sử dụng sản phẩm tặng kèm kém chất lượng thì khi mua phải xác định rõ mình mua cái gì, sản phẩm khuyến mại là gì. Từ đó so sánh với sản phẩm khác để đảm bảo không bị “móc túi” oan. Đặc biệt, sản phẩm khuyến mại cần phải được kiểm tra kỹ về chất lượng, mẫu mã. Người tiêu dùng cần tỉnh táo và không nên tin vào lời khuyến mại, giảm giá, sự mập mờ về giá sản phẩm để tránh rước họa vào thân. Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú |