Mùa hè năm 2022, miền Bắc có dễ chịu hơn mọi năm?

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, dự báo năm nay, nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm, không gay gắt và kéo dài như năm 2021.

Vì sao nắng nóng đến muộn?

Tháng 5, thời tiết đã sang hè nhưng ở miền Bắc vẫn có những ngày trời se lạnh như mùa thu. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, năm nay nắng nóng ở Bắc Bộ, Trung Bộ sẽ xuất hiện muộn và các đợt nóng không quá gay gắt so với trung bình nhiều năm. Đáng nói, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm trong khoảng tháng 10, tháng 11/2022.

Theo chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng thường bắt đầu vào khoảng giữa tháng 4 ở khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ. Tuy nhiên, trong năm nay, khu vực này đón đợt nóng đầu tiên vào cuối tháng 4.

Mùa hè năm nay nắng nóng sẽ đến muộn và các đợt nắng nóng sẽ không quá gay gắt so với trung bình nhiều năm. Ảnh: Phạm Hùng
Mùa hè năm nay nắng nóng sẽ đến muộn và các đợt nắng nóng sẽ không quá gay gắt so với trung bình nhiều năm. Ảnh: Phạm Hùng

Trong khi đó, Đông Bắc Bộ và Hà Nội thậm chí chưa ghi nhận ngày nào có mức nhiệt trên 35 độ C kể từ đầu năm. Theo dự báo, khu vực này có thể đón đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay vào khoảng cuối tháng 5.

Chuyên gia cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là thời tiết trong các tháng đầu mùa hè tại miền Bắc chịu chi phối bởi trạng thái La Nina (nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương ở pha lạnh) với xác suất 50 - 60%.

Đến tháng 6 và tháng 7, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương khả năng tăng dần và chuyển trạng thái trung tính. Vì vậy, hai tháng tới sẽ là cao điểm của nắng nóng ở miền Bắc nhưng các đợt nóng không gay gắt và kéo dài như cùng kỳ năm 2021.

Trong mỗi đợt nắng nóng, khu vực vùng núi Trung Bộ và phía Tây Bắc vẫn là những vùng tâm nóng và có khả năng xảy ra các điểm nắng nóng cực trị trên 40 độ C. Bởi vì, ở đây, ngoài tác động của vùng thấp nóng còn có thêm ảnh hưởng của hiệu ứng gió phơn.

Nâng cao chất lượng dự báo

Trong những năm gần đây, diễn biến thiên tai khá phức tạp. Trong các tháng đầu năm 2022, mặc dù, chưa bước vào mùa mưa bão nhưng thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như: Đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19 - 24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so với cùng thời kỳ.

Đặc biệt, đợt mưa lũ lớn trái quy luật, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3 - 2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà với tổng lượng mưa từ 200 - 600mm. Đợt mưa, lũ từ đêm 9 - 10/5, tại khu vực Lạng Sơn, Quảng Ninh và Bắc Cạn có mưa rất to, lượng mưa phổ biến đạt từ 200 - 300mm. Những đợt mưa, lũ này đã gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản ở nhiều địa phương trên cả nước.

Đường Tỉnh lộ 243 tại tỉnh Lạng Sơn bị ngập sau mưa lớn sáng 10/5/2022. Ảnh: Hoàng Quân
Đường Tỉnh lộ 243 tại tỉnh Lạng Sơn bị ngập sau mưa lớn sáng 10/5/2022. Ảnh: Hoàng Quân

“Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai” -  đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành - Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ TN&MT đối với Tổng cục KTTV tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ TN&MT diễn ra chiều hôm qua (18/5) tại Hà Nội.

Theo đó, nhận định xu thế thiên tai 6 tháng cuối năm 2022, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, dự báo ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến các tháng đầu mùa đông năm 2022, xác suất khoảng 55 - 65%, trước khi chuyển sang pha trung tính. Trong những năm La Nina, cần lưu ý đề phòng mưa lớn cực đoan ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có các nước Đông Nam Á và Việt Nam.

Ông Mai Văn Khiêm nhận định, trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn TBNN từ tháng 7- 9/2022. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với TBNN từ tháng 6 - 9/2022. Từ khoảng tháng 10 - 11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10 - 11/2022.

Khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa dự báo cao hơn TBNN trong các tháng 10 đến tháng 11/2022, đề phòng khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn gây lũ và ngập lụt trong giai đoạn này.

“Nắng nóng xuất hiện muộn so với mọi năm. Dự báo có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021” - ông Mai Văn Khiêm thông tin thêm.

Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai và để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2022, các năm tiếp theo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TN&MT, các đơn vị trực thuộc Bộ cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế để thực hiện tốt các nội dung đã được phân công tại Kế hoạch PCTT&TKCN của Bộ.

Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin về thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó; tiếp tục rà soát, kiểm tra toàn bộ phương tiện, máy móc, trang thiết bị, thông tin liên lạc, đảm bảo quan trắc, đo đạc đầy đủ, kịp thời, thông suốt trong mọi tình huống; hoàn thiện các phương án, công cụ dự báo khí tượng thủy văn, các phương án phục vụ phòng, chống thiên tai tại các đơn vị trực thuộc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần