Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mùa hồng bì chín đi qua phố Hà thành

Vy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồng bì đang vào mùa chín rộ. Những ngày này, xuống phố, ta sẽ gặp những hàng, những gánh hồng bì chín mọng thấp thoáng mọi nẻo đường, ngõ nhỏ Hà thành. Sớm mai, trên đường đi làm, tôi mua một ít hồng bì tới cơ quan mời đồng nghiệp.

Những ngày này, ta dễ dàng bắt gặp những hàng hồng bì chín mọng thấp thoáng trên từng con phố Hà thành Ảnh: VĨNH QUYÊN
Những ngày này, ta dễ dàng bắt gặp những hàng hồng bì chín mọng thấp thoáng trên từng con phố Hà thành Ảnh: VĨNH QUYÊN

Hồng bì (còn có tên gọi quất hồng bì) là loài cây thân mộc, có chiều cao trung bình từ 2m trở lên mới bắt đầu cho quả. Tháng Ba hàng năm, từng chùm hoa màu trắng bắt đầu trổ ra phía đầu cành. Chả mấy chốc, từng chùm quả màu vàng nhạt với lớp vỏ lông tơ mong mỏng đã trĩu trịt trên các tán cây. Mùa hồng bì chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7. Vì vậy, để có hồng bì ăn quanh năm, người nội trợ khéo đất Hà thành thường mua hồng bì về ngâm mật ong, làm mứt. Có một điều thú vị, theo y học cổ truyền, quả hồng bì không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc có tác dụng giảm ho rất hiệu quả.

Đã thành lệ, cứ tới mùa hồng bì, các bà các mẹ thường mua một ít về dâng cúng gia tiên rồi hạ lộc cho con cháu thưởng thức. Theo kinh nghiệm, nếu hồng bì ăn tươi thì nên chọn quả chín mọng, vỏ nâu sậm thường gọi là hồng bì bồ hóng. Nhưng nếu để ngâm mật ong hoặc làm mứt thì các bà các mẹ lại chọn quả to, vỏ dày, có màu vàng ánh xanh. Tại sao lại không chọn quả chín? Đó là vì, quả vừa chín tới khi ngâm sẽ vị chua chua ngọt ngọt, độ thơm của tinh dầu lưu nơi vỏ sẽ nhiều hơn.

Ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường ngâm hồng bì với mật ong để chữa ho. Quất hồng bì sơ chế sạch, ngâm với nước muối loãng, vớt ra để ráo nước. Sau khi loại bỏ hạt, mẹ tôi xếp quất hồng bì vào lọ thủy tinh khô, đổ mật ong ngập quất, đập nắp kín. Chỉ sau vài ngày, nước từ hồng bì tiết ra, quyện với mật ong sánh vàng thật đẹp. Mỗi khi trong nhà có ai bị ho, mẹ tôi lấy vài miếng hồng bì ngâm mật ong ra chiếc chén nhỏ cùng chút mật ong, cho ngậm dần dần. Thật hiệu nghiệm, không cần uống thuốc kháng sinh mà các cơn ho lùi xa.

Theo chị Vĩnh Quyên, một người am hiểu về ẩm thực Hà thành, cách làm hồng bì ngâm đường khá đơn giản nhưng phải tỉ mỉ, khéo léo. Hồng bì cắt rời, rửa sạch, nhẹ tay nặn sạch hột rồi ngâm nước vôi trong 30 phút. Vớt hồng bì ra, rửa sạch, trần qua nước sôi, để ráo. Cho hồng bì vào âu, cứ một lượt quả, một lượt đường. Nếu là đường phèn thì đập nhỏ cho tan nhanh. Ngâm như vậy qua đêm. Hôm sau, vớt hồng bì ra âu riêng, cho nước đường và gừng thái sợi vào nồi đun nhỏ lửa cho đường sôi liu riu. Khi thấy đường hơi sánh thì tắt bếp, nhấc ra để nguội. Cho hồng bì vào lọ thủy tinh đã được lau khô, rót nước đường ngập hồng bì, đậy nắp kín, để chỗ thoáng ba ngày rồi cất ngăn mát dùng dần.

Chị Vĩnh Quyên cho biết thêm, nếu muốn làm mứt hồng bì, sau khi vớt hồng bì ra, cho sâm sấp nước ngâm, sên nhỏ lửa, đảo nhẹ tay cho hồng bì dẻo lại. Cho ra mâm phơi nắng hoặc cho nồi chiên không dầu, sấy ở chế độ nhỏ nhất cho đến khi hồng bì ráo đường là được.

Giờ đây, các bạn trẻ còn có khúc biến tấu của trà và hồng bì. Trà mạn Thái Nguyên kết hợp cùng quả hồng bì chín tạo ra hương vị thật đặc biệt. Nhấp một ngụm trà, vừa có vị thanh mát chua ngọt, hương thơm của tinh dầu từ vỏ quả tiết ra, vị chát nhẹ của trà... tất cả hòa quyện tạo nên hương vị mùa hạ thật đặc biệt.

Mùa hồng bì chín đang đi qua phố Hà thành. Bạn à, ta chẳng nên bỏ lỡ mùa quả với hương vị đặc biệt được nối dài qua bao vơi đầy năm tháng.