Quả thực cái sự khoe của ông lão kia tuy không được hay ho cho lắm nhưng những ai từng sống ở con ngõ nọ mới thấy sự tự hào của ông cũng có cơ sở!
Con ngõ nói trên chiều rộng chỉ lọt chiếc xe máy, có hàng trăm gia đình và phòng trọ dành cho đủ dạng người, từ người lao động nghèo, sinh viên tỉnh lẻ, trai tứ chiếng - gái giang hồ, lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày, cờ bạc hút xách, trai gái, đĩ bợm đủ kiểu. Sống trong môi trường ô hợp đó, con cái không trộm cắp, không nghiện ngập, âu cũng là cái phúc của bất kỳ gia đình nào.
Ngày đó, cách đây cũng ngót ba chục năm, internet chưa phát triển, mạng xã hội chưa có, thì cái sự khoe của ông lão nghèo thành thị cũng chỉ mấy kẻ hay hóng hớt nơi quán nước của lão mới hay…
Dù lão đã chầu trời từ chục năm về trước, nhưng thi thoảng tôi lại chạnh nghĩ đến “sự khoe” của ông lão, thấy vừa hài hước mà lại có cái gì đó tội nghiệp, đáng thương…
Thời nay kết thúc năm học, cũng là dịp các ông bố - bà mẹ đem thành tích học tập của con cái “cúng phây”. Vì vậy nếu muốn biết kết quả học tập của con em gia đình nào, chỉ cần vào trang cá nhân của các thành viên, kiểu gì cũng có thông tin chính xác. Khỏi cần tốn tiền gọi điện thoại hỏi thăm.
Năm nay kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa trôi qua mấy ngày, (nhưng trước đó), một số trường THPT chuyên đã tuyển sinh trước; dù kết quả chưa được công bố chính thức, nhưng “lác đác” đã có một số ông bố - bà mẹ đã đem kết quả thi cử của con mình khoe trên mạng xã hội.
Chỉ cần vài tuần nữa thôi (khi các trường THPT công bố kết quả), chắc chắn mạng xã hội sẽ có một cơn “địa chấn” về thành tích học tập của đám trẻ con.
Và sau kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học có kết quả, những gia đình có con vào được trường tốp đầu chắc chắn sẽ được một phen hỷ hả. Facebook, Zalo sẽ ngập ảnh, video ghi lại những buổi liên hoan, những lời chúc mừng, những bó hoa tươi, những chiếc xe đẹp…
Đẻ con ngoan, mát mặt là điều hết sức bình thường. Nhưng với cách dạy và học chạy theo thành tích như hiện nay, nhiều khi phụ huynh cứ đem kết quả của con đăng trên mạng xã hội hay thì hay đấy nhưng coi chừng lại phản tác dụng, bởi với trẻ con “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Nếu chỉ vì vài phút “tự sướng” của người lớn mà tạo ra áp lực với trẻ con, làm cha mẹ liệu có nên không nhỉ?
Quê tôi cách đây khoảng trên 10 năm, 10 em đỗ đại học (nói không ngoa), phải có 5, 7 nhà tổ chức liên hoan linh đình, mời anh em làng nước đến chia vui.
Nhưng rồi học hành, thi cử thay đổi xoành xoạch, trường đại học thì mọc lên như nấm sau mưa, để vào đại học, không cần phải thi, kiểu gì cũng có giấy mời, giấy báo! Từ đấy việc tổ chức liên hoan mừng con đỗ đại học (một cách khoe gián tiếp) giảm hẳn.
Nay đã trung tuần tháng 6, đang là cao điểm ôn luyện của đám sĩ tử sắp dự kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, cũng mong các bậc làm cha, mẹ bớt thói khoe khoang để giảm áp lực học hành, thi cử cho con cái…