Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mua lan Phi điệp đột biến tiền tỷ, nhiều người nếm "trái đắng"?

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng được biết đến với những cuộc giao dịch giá tiền tỷ, tuy nhiên thời gian gần đây, lan Phi điệp đột biến đang được nhiều nhà vườn rao bán với mức giá rẻ song vẫn khó bán vì không mấy ai mặn mà.

“Kịch bản” đấu giá?
Khá phổ biến ở Việt Nam, hoa lan với hàng nghìn chủng loại khác nhau từ lâu đã trở thành thú chơi của không ít người Việt. Người đam mê lan có thể bỏ ra vài chục ngàn, vài trăm ngàn, vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu, cho đến cả tỷ đồng để mua một giò lan hay một chậu lan yêu thích.
Các chuyên gia cây cảnh nhận định, đột biến là quá trình xảy ra đột ngột, riêng rẽ, ngẫu nhiên, vì vậy, một giống lan đột biến có được màu sắc đẹp, cấu trúc bông chặt chẽ, hương thơm quyến rũ.
Vốn là thú vui tao nhã, song khoảng 2 năm trở lại đây, giới chơi lan liên tục chứng kiến các vụ mua bán lan phi điệp đột biến (hay còn gọi là lan var) với giá trị chưa từng có. Vụ mua bán sau luôn luôn có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần vụ trước. Chính việc nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả một gia tài lớn chỉ để nhận về một mầm lan bé tí, đã khiến dư luận hoài nghi về giá trị thật của loài lan được cho là độc lạ và quý hiếm này.
Theo đó, lan phi điệp đột biến được đánh giá có dáng vẻ độc đáo khác tự nhiên về màu sắc, hình dạng hoa, độ dày của cánh. Lan đột biến mang đến sự kích thích, hưng phấn cho người chơi. Hiện có rất nhiều loại lan như: Đai châu, phi điệp, trầm trắng… mỗi loài có một vẻ riêng nhưng độc đáo nhất là dòng lan đột biến. Trên thị trường, lan đột biến gen là loại lan được săn lùng ráo riết, giá được tính theo chiều dài của thân.
Bày tỏ quan điểm về lan phi điệp đột biến, anh Nguyễn Nhân Hồng - Chủ tịch Hội hoa lan Mê Linh (Hà Nội) cho biết, lan đột biến gen thì có nhiều nhưng trong hàng vạn cây mới có một cây có giá trị thẩm mỹ và lợi ích kinh tế cao.
“Năm 2014, tôi bỏ ra 5 triệu đồng mua một "ki" (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ) phi điệp năm cánh trắng Hòa Bình sau 4 năm tôi thu về hơn 600 triệu. Hiện vườn lan của tôi có những giò lan đột biến được trả giá hàng tỷ đồng”, anh Hồng nói.
Đồng quan điểm, anh Phạm Văn Dũng chủ một vườn lan tại Lâm Đồng cho biết, lan phi điệp đột biến có giá "khủng" là do trong giới chơi lan ai cũng ao ước có được nó. Việc nhân giống là khá hạn chế bởi giống của lan đột biến không thể nuôi cấy mô hay làm trái để gieo hạt được. Hàng tấn lan rừng may ra mới có một cây đột biến gen, vì thế nó vô cùng quý hiếm và giới chơi lan ưa chuộng cũng là điều dễ hiểu.
 Để sở hữu kie lan đột biến mang tên ''Huyền thoaị bướm đại ngàn'' này, một đại gia Bình Dương phải đã chấp nhận chi ra 15 tỷ đồng.
Mở đầu cho cơn sốt lan đột biến chính là thời điểm giữa năm 2018, khi một người trồng lan ở Thừa Thiên Huế đã bán giò lan đột biến cho một dân chơi lan ở Hải Phòng với giá lên tới 700 triệu đồng.
Thời điểm đó, khi dư luận chưa kịp hết xôn xao về giò lan giá 700 triệu đồng, giới chơi lan được một phen điên đảo khi trên các diễn đàn có phát trực tiếp một cuộc giao dịch phong lan tiền tỷ. Chủ nhân của cây lan đặc biệt có tên "Bướm đại ngàn" đã quay clip phát trực tiếp cuộc giao dịch, chuyển giao cây cho một chủ khác. Số tiền để sở hữu cây lan "Bướm đại ngàn" lên tới 1,1 tỷ đồng. Đặc biệt hơn cây lan này chỉ có độ dài hơn 20cm.
Sau 2 cuộc giao dịch trên, các thương vụ mua bán lan đột biến bùng nổ với giá bạc tỷ. Một cây lan phi điệp có tên 5 cánh trắng Bảo Duy được bán thành công với giá 2,7 tỷ đồng; gốc Giã Hạc đột biến 5 cánh trắng của chủ nhân người Ninh Thuận bán thành công cho một đại gia ở Đà Nẵng với giá lên tới gần 7 tỷ đồng…
Song có lẽ chấn động nhất vẫn là thương vụ chuyển nhượng lan đột biến gene tại Bình Phước ngày10/6 vừa qua, Anh Nguyễn Thanh Xuân bán thành công 3 chậu lan với mức giá lên đến 32 tỷ đồng. Trong đó, cây Bảo Duy 5 cánh trắng giá 12 tỷ đồng, một cây Bảo Duy 5 cánh trắng khác giá 9,9 tỷ đồng và một cây Da Vàng 10 tỷ đồng.
 Anh Nguyễn Thanh Xuân (bên phải) cạnh chậu lan Bảo Duy 5 cánh trắng trị giá 9,9 tỷ đồng được chuyển nhượng ngày 10/6 vừa qua.
“Hàng triệu tấn lan phi điệp, may mắn mới có được một cây lan đột biến. Vì lý do nào đó như môi trường sống mà đột biến gene, tạo ra loài hoa đẹp và hiếm”, Anh Nguyễn Thanh Xuân lý giải.
Cũng theo anh Xuân, sở dĩ giá trị của chậu cây lên đến hàng chục tỷ đồng vì đây đều là những loài hoa rất quý, đẹp và vì thế, nó có khả năng tạo ra giá trị cao về kinh tế trong tương lai nhờ nhân giống và bán lại.
Chưa hết sốc với mức giá 32 tỷ đồng, cộng đồng chơi lan lại rầm rộ chia sẻ hình ảnh chậu lan Juliet với độ dài chừng 20 - 30cm được giao dịch với giá 83 tỷ đồng. Thậm chí, có những giao dịch được quảng cáo lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ đây có thể là một chiêu thổi giá, thậm chí là kịch bản đã được dàn dựng công phu từ trước.
“Bong bóng” đã vỡ…
Sau một thời gian tăng giá vô tội vạ, lan phi điệp đột biến đang dần trở về giá trị thực, dù có cao hơn so với giá thị trường thời điểm đầu khoảng 3 - 5 năm về trước nhưng đã giảm đi nhiều.
Nhiều năm đam mê chơi lan, anh Nguyễn Văn Hiệp (quận 8, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, trong khi lan Phi điệp đột biến ở Việt Nam và được sang tay với giá “hét ra lửa” thì tại Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc… người ta cũng đã cấy ghép được dòng đột biến có bản hoa tương tự, trồng bạt ngàn với giá bán vô cùng rẻ.
 Sau thời gian bị thổi giá, lan đột biến ''quay đầu'' trở về giá trị thực với giá rẻ hơn rất nhiều.
“Thị trường phong lan trong những năm gần đây đã bị "thổi" giá khá nhiều, chính điều này vô hình dung khiến những người đam mê lan thực sự khó có cơ hội để sở hữu những nguồn lan rừng đột biến quý hiếm”, anh Nguyễn Thế Hùng, một người đam mê sưu tầm lan ở Hòa Bình tỏ ra tiếc nuối.
Cho rằng nhiều thương vụ mua bán lan phi điệp đột biến giá cao là do chính người bán lên kịch bản dàn dựng. Theo anh Hùng, một số người mua được giò lan đột biến với giá rẻ sau đó tung tin rằng giò lan đó được nhiều người hỏi mua với gia bạc tỷ nhưng không bán. Để đẩy giá, họ còn thuê người tìm đến hỏi mua chính giò lan đó với giá hàng tỷ đồng. Giao dịch được xác nhận, tiền thật, lan thật nhưng ít ai biết được số tiền này lại là của chính người bán.
Có quan điểm khác hơn một chút, ông Bùi Văn Ngọc (nghệ nhân Tám Ngọc, giảng viên Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh) cho rằng, giao dịch lan đột biết tiền tỷ trong thời gian qua là có thật, không phải cuộc giao dịch nào cũng là ảo.
“Lan đột biến cũng giống như nhiều mặt hàng khác, khi hiếm thì tạo lên cơn sốt và có giá cao. Giống như một quả bong bóng được thổi căng rồi đến lúc phải vỡ”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Theo ghi nhận, tại nhiều nhà vườn trồng lan trên khắp cả nước đang rao bán lan phi điệp đột biến với giá rẻ bất ngờ, thấp hơn giá mặt bằng chung của thị trường trong cơn sốt cách đây vài tháng rất nhiều.
"Kie 5 cánh trắng Phú Thọ trước đây được bán với giá từ 3 - 5 triệu đồng/kie dài khoảng 2cm thì giờ chỉ còn được rao bán từ 200.000 - 300.000 đồng/kie”, anh Trung, một hộ trồng lan ở Đắk Lắk nói.
Lo ngại việc giao dịch lan đột biến tiềm ẩn nguy cơ thổi giá, rửa tiền... ngày 20/7 vừa qua, công an tỉnh Tuyên Quang đã ra văn bản cảnh báo.
Tượng tự, anh Trí, chủ vườn lan ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cho biết, trước đây cây 5 cánh trắng HO (Hiển Oanh) được anh mua về với giá hàng chục triệu đồng/kie, nhưng hiện nay rớt giá, anh Trí chỉ được ở mức dao động trong khoảng 1,5 triệu đồng/kie.
Gần một năm trước, anh Tuấn (quận 6, TP Hồ Chí Minh) chi ra 6 tỷ đồng để mua một giò lan “mẹ” phi điệp đột biến về chăm sóc công phu với hy vọng sẽ "đẻ" ra nhiều kie con để bán thu hồi vốn và sinh lời. Tuy nhiên, anh Tuấn đang phải ném “trái đắng” vì người bán không bảo hành cho để lúc lan trổ hoa.
“Giá trị cây lan đột biến chủ yếu phụ thuộc vào lượng cung và cầu, còn giá do chính người mua và người bán tự thương lượng. Bỏ ra 6 tỷ đồng, cùng bao nhiêu công sức chăm sóc, cây lan của tôi vẫn không thể ra được hoa, gần như mất hết giá trị. Giờ để bán thu lại được vốn, thậm chí nửa số vốn cũng khó như lên trời”, anh Tuấn thất vọng.
Thê thảm hơn anh Tuấn, ông Năm (Bảo Lâm, Lâm Đồng) chi ra tận 10 tỷ đồng cho một giàn lan phi điệp đột biến, nhưng đến nay rao bán với giá 3 tỷ đồng vẫn không ai mua.
“Nguyên nhân giá rẻ chủ yếu xuất phát từ việc lan đột biến không còn hiếm và quý như trước. Thị trường ngập hàng, cứ 10 hộ chơi lan thì đến 8 hộ có lan phi điệp đột biến, nếu giá không rẻ mà cứ cao thì thử hỏi ai bán ai mua”, ông Năm phân tích.