Múa Lân từ làng ra phố

Trúc Như
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thôn Minh Hồng (xã Quang Minh, huyện Ba Vì) những ngày áp Tết Trung thu này mới thấy rõ sự tất bật của các thành viên trong đội múa Lân.

Trung thu là một mùa diễn, là lúc thấy rõ nhất niềm vui của các “nghệ sĩ nông dân” khi vốn văn hóa làng không còn quanh quẩn trong lũy tre làng. 

Đến nhà ông Nguyễn Văn Duẫn - Trưởng thôn Minh Hồng, độ này chẳng lúc nào không rôm rả, bởi đây là “sàn tập” của đội múa Lân thôn. Lẫn trong tiếng trống tập, ông Duẫn “khoe”, đội múa Lân thôn có từ những năm 1970 khi làng mới hình thành. Đi qua những thiếu thốn về vật chất, con người, giờ đội đã trọn vẹn 22 thành viên, cả nam lẫn nữ, người lớn lẫn thanh, thiếu niên. Đạo cụ và trang phục diễn cũng chu đáo, “hợp thị hiếu” của nghệ thuật truyền thống trong thời hiện đại. Và điều ông Duẫn muốn “khoe” nhất là: “Mặc dù kinh phí hoạt động hoàn toàn do các thành viên tự đóng góp và nguồn xã hội hóa của địa phương, nhưng ai nấy đều nhiệt tình tập luyện và biểu diễn”.
Đội múa lân thôn Minh Hồng (xã Quang Minh, huyện Ba Vì) tập luyện. Ảnh: Trúc Thư
Đội múa lân thôn Minh Hồng (xã Quang Minh, huyện Ba Vì) tập luyện. Ảnh: Trúc Thư
Chuyện trò chớp nhoáng trong mấy phút nghỉ ngơi giữa giờ tập, ông Nguyễn Văn Tiến – người đã có cả 10 năm múa đầu Lân, cũng đầy phấn chấn: “Múa Lân đã trở thành không thể thiếu của làng chúng tôi mỗi dịp Tết Trung thu. Không đơn thuần chỉ là hoạt động vui, múa Lân tạo cho chúng tôi niềm vui và sự gắn kết với dân làng. Thế nên, anh em chúng tôi nhất tâm nhất trí gắn bó với đội”. Và việc truyền sự yêu thích nghệ thuật múa Lân cho thế hệ sau là tâm nguyện của những người như ông Tiến, ông Duẫn. Thế nên, ngoài việc mày mò cập nhật trang phục, cách biểu diễn, các ông còn dạy bọn trẻ, chỉnh sửa cho họ cách trình diễn sao cho sinh động. Mục đích duy nhất chỉ là để giữ môn nghệ thuật truyền thống ấy. Cũng vì thế mà đội múa Lân thôn luôn chú ý thu hút các thành viên nhỏ tuổi, lúc nào đội cũng có 6 thành viên tuổi từ 14 – 17 trong các vai phụ. Ấy là bước đệm để về sau “vai phụ” trở thành “vai chính”.

Từ sự đam mê, thích thú với nghệ thuật truyền thống, đến nay, các “nghệ sĩ nông dân” của thôn Minh Hồng đã phát triển được 6 đội múa Lân. Phải nói rằng, nhờ có những người trẻ mà múa Lân đã có nhiều đổi mới, sáng tạo. Mặc dù chưa phải là đội chuyên nghiệp, nhưng các thành viên trẻ đều chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm các động tác khó qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Rồi sau đó, tự họ lại bảo ban nhau tập luyện, để có những màn múa nhuần nhuyễn, mềm mại, không kém đội chuyên nghiệp là mấy.

Điều đáng nói nữa là từ tâm huyết giữ nét văn hóa truyền thống của làng, người dân Minh Hồng đã đưa được nét văn hóa ấy ra phố. Múa Lân không chỉ tưng bừng trong “mùa diễn” Trung thu mà còn có “mùa diễn” đầu năm, các lễ hội lớn bên ngoài thôn Minh Hồng. Ông Duẫn không giấu, ngoài Trung thu, đội múa Lân thôn thường xuyên được mời tham gia các sự kiện lễ hội lớn như: Khai hội Tản Viên Sơn, Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, Tết Nguyên đán... Tuy chỉ mang tính tự phát, nhưng múa Lân đã trở thành môn nghệ thuật phát triển mạnh của Minh Hồng. Nghĩa là người dân thôn còn có thêm niềm tự hào khi múa Lân từ làng ra phố.

Giờ múa Lân lại đang vào mùa diễn, tiếng thùng thình, chập chạ của những đội Lân đầy màu sắc hòa cùng ánh sáng lấp lánh của đèn ông sao, nến thắp sáng lẫn trong tiếng cười của con trẻ đã khẳng định được sức sống của một bộ môn nghệ thuật xuất thân từ làng xã Hà Nội.            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần