Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lớn, Đà Nẵng phát công điện ứng phó

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ sáng 25/10, Đà Nẵng có mưa lớn. TP đã phát công điện triển khai phương án ứng phó mưa lũ.

Theo ghi nhận tại TP Đà Nẵng, từ sáng đến trưa 25/10 xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn khiến một số tuyến đường tại khu vực trũng thấp xảy ra ngập úng nhẹ.

Trước tình hình dự báo mưa lũ phức tạp, trưa cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng (Ban chỉ huy) đã phát công điện triển khai phương án phó.

Theo đó, Ban chỉ huy yêu cầu các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời theo dõi lượng mưa trên địa bàn để chủ động các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nguời dân khi có tình huống xảy ra.

Đoạn cuối đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cứ mưa lớn là ngập úng. Ảnh: Quang Hải
Đoạn cuối đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cứ mưa lớn là ngập úng. Ảnh: Quang Hải

UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa, lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, sẵn sàng triển khai sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt.

Các địa phương chủ động tổ chức chốt chặn tại những tuyến đường ngập sâu theo phân cấp quản lý khi có lũ, ngập lụt xảy ra; nghiêm cấm người dân và phương tiện không có nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đi lại, đánh bắt thủy sản trên sông, vùng trũng thấp, ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn, rừng, núi và các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, rà soát lại phương án hiệp đồng, phối hợp với các lực lượng của địa phương và lực lượng vũ trang TP, phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể để chủ động, kịp thời tổ chức triển khai phòng chống thiên tai, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.

Ban chỉ huy cũng yêu cầu các đơn vị lực lượng vũ trang, UBND quận, huyện, sở, ngành kiểm tra, rà soát những khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của đơn vị tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, chủ động sơ tán đến nơi an toàn.

Sở Xây dựng phối hợp UBND các quận, huyện và đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng đô thị, khơi thông cống rãnh thoát nước.

Sở GTVT triển khai công tác phòng chống, ứng phó với sạt lở, ngập lụt, đảm bảo an toàn tại các tuyến giao thông chính, hầm chui theo phân cấp quản lý…

Theo tin của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Trung Trung bộ, hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia và các sông tại Đà Nẵng đang xuống chậm và ở dưới mức báo động (BĐ) 1. Từ ngày 25 đến ngày 27/10, trên sông Vu Gia và các sông thuộc TP Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông Vu Gia ở mức dưới BĐ2 đến trên BĐ2 và các sông thuộc Đà Nẵng có khả năng ở mức BĐ1 đến trên BĐ1.

Theo dự báo, từ ngày 25 đến 26/10, tại TP Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa dự báo ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ là 70 - 150mm, có nơi trên 220mm; quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn 80 - 180, có nơi trên 250mm; quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu 70 - 150, có nơi trên 180mm; huyện đảo Hoàng Sa 40 - 80mm, có nơi trên 80mm. Lượng mưa từ 9 giờ - 11 giờ ngày 25/10 phổ biến từ 30 - 70mm, riêng Hòa Hải 79.8mm.

Dự báo trong chiều 25/10, tại TP Đà Nẵng mưa tiếp tục duy trì cường độ to đến rất to. Lượng mưa phổ biến 40 - 80mm, có nơi trên 100mm. Do mưa lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày nên cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng ở vùng thấp trũng.