Từ ngày 19/4 đến nay, tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ và Quảng Ninh, đã xảy ra mưa lớn kèm theo dông lốc. Tính đến nay, mưa lớn kèm dông lốc đã khiến 1 người chết (Hà Giang) và 9 người bị thương.
Cùng với thiệt hại về người, ít nhất 8.862 nhà dân cũng đã bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái. Cao Bằng và Sơn La là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với lần lượt 2.702 và 3.477 ngôi nhà.
Tại các địa phương như Phú Thọ, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai cũng ghi nhận 56 điểm trường; 1 cầu giao thông, 26 trụ sở cơ quan, 11 nhà xưởng và 15 nhà văn hoá bị tốc mái, hư hỏng; 17 cột viễn thông, 231 cột điện bị gãy, đổ; 809 công trình dân sinh bị thiệt hại…
Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị nạn. Đồng thời, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, ngày hôm nay (24/4), ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có công văn đề nghị các tỉnh, TP theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh đó, các địa phương cần sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có); khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả các đợt mưa lớn, dông lốc và gió giật mạnh vừa qua để sớm ổn định đời sống.