Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, lũ quét, sạt lở đất đe dọa nhiều địa phương

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù bão số 8 đang suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), tuy nhiên, mưa lớn vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tiềm ẩn, đe doạ cuộc sống an toàn của người dân.

58 hồ thủy điện phải xả tràn
Số liệu quan trắc cập nhật cho thấy, từ 19 giờ tối 13/10 đến 7 giờ sáng nay (14/10), tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 30 - 70mm. Các tỉnh Thanh Hóa, Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ và Tây Nguyên rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 30mm.
Sạt lở xảy ra trên Quốc lộ 8A đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.
Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, trong 2 ngày 14 - 15/10, khu vực Bắc Bộ và Quảng Trị tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt. Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.
Đáng lo ngại, do ảnh hưởng của mưa lớn, từ ngày 14 - 15/10, thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động (BĐ) 1 - BĐ2 và trên BĐ2. Riêng hạ lưu các sông chính Nghệ An, Hà Tĩnh lên mức BĐ1.
Chủ động phòng chống nguy cơ mưa lớn, 58 hồ chứa thuỷ điện trên cả nước đang vận hành xả tràn; còn 8 hồ chứa khác cũng đã đầy nước. Trong khi đó tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, hiện cũng có 2.008/4.866 hồ đã đầy nước. Nhiều hồ đang phải xả điều tiết để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du.
Sẵn sàng phương án sơ tán người dân
Thông tin sáng nay (14/10) từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, tại tỉnh Quảng Bình, mưa lớn đã làm đường tỉnh 559B cũ (đường mới đang xây dựng, chưa hoàn thành) phía thượng lưu đập thủy lợi Rào Nan ngập sâu. Đường liên xã Hung Trâu đi Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) bị sạt lở tại ngầm Cu Pi, hiện chưa thông xe. Một số tuyến đường tại tỉnh Hà Tĩnh đã bị sạt lở đất đá...
Bộ trưởng NN&PTNT - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan kiểm tra công tác ứng phó bão số 8 tại tỉnh Nghệ An.
Liên quan đến thiệt hại do lũ sông Đồng Nai, thống kê đến ngày 14/10, đã có 232ha lúa, hoa màu bị ngập; 867 lồng bè bị thiệt hại. Đặc biệt, 4 hộ dân với 19 nhân khẩu của tỉnh Đồng Nai buộc phải di dời để bảo đảm an toàn trong thời gian mưa lũ diễn ra.
Trước diễn biến của bão số 8 suy yếu thành ATNĐ, ngày 13/10, đoàn công tác do Bộ trưởng NN&PTNT - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 8 tại tỉnh Nghệ An. Hôm nay (14/10), đoàn tiếp tục đi kiểm tra tại tỉnh Hà Tĩnh. 
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, diễn biến thiên tai những ngày tới còn rất phức tạp. Đặc biệt, nguy cơ không thể chủ quan từ lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài đã nhiều ngày. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cần sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực trũng thấp ven sông, ven biển.
Các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố; chủ động bơm gạn nước đệm giảm thiểu ngập úng. Kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Đồng thời, duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu. 
Hồi 7 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cách Nghệ An khoảng 230km, cách Hà Tĩnh khoảng 200km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9. Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25km, suy yếu thành một vùng áp thấp và đi vào khu vực Thanh Hóa, Nghệ An. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.