70 năm giải phóng Thủ đô

Mưa lớn, nhiều nơi thiệt hại nặng nề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng kiểm tra lũ lụt tại thị trấn Xuân Mai. Ảnh: Khắc Kiên

Sau trận mưa lớn trong đêm 17/9, đến sáng ngày hôm qua (18/9) nước lũ bất ngờ đổ dồn về làm ngập úng nhiều diện tích lúa và hoa màu của các địa phương ngoại thành Hà Nội như thị xã Sơn Tây, huyện Chương Mỹ...

Trở tay không kịp

Một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt mưa này là phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây. Do mưa lớn, đến sáng 18/9, nước lũ từ núi Ba Vì theo dòng sông Hang đổ về đột ngột làm ngập úng nhiều diện tích và tuyến đường giao thông thuộc phường Trung Sơn Trầm. Mờ sáng, người dân phường Trung Sơn Trầm hoảng hốt khi nước lũ đổ về ầm ầm và dâng mỗi lúc một cao, thậm chí ngập cả lên đoạn đường Quốc lộ 21B tràn vào nhà dân. Chị Khuất Thị Hà, xóm Di Lăng, phường Trung Sơn Trầm lo lắng "Hơn 2 sào lúa mùa đến ngày thu hoạch và một mẫu ao nuôi cá của gia đình tôi đã chìm trong biển nước, vụ này coi như mất trắng vài chục triệu đồng".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng kiểm tra lũ lụt tại thị trấn Xuân Mai. Ảnh: Khắc Kiên
Kinhtedothi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng kiểm tra lũ lụt tại thị trấn Xuân Mai. Ảnh: Khắc Kiên
Theo ghi nhận tại hiện trường đập Vai Cời, trên đường rẽ vào Học viện Phòng không - Không quân vào chiều 18/9, mặc dù nước đã rút, song dòng nước đỏ ngầu vẫn cuồn cuộn đổ về. Những mảng lớn bèo, rau muống làm cản trở dòng chảy khiến nước tràn ra các tuyến đường. Rất may, trong lúc nguy cấp, một DN trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã huy động máy xúc và 5 ô tô tải ra hỗ trợ múc bèo, rau muống đi để giải tỏa dòng chảy. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Công Quý - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Trung Sơn Trầm cho biết, theo thống kê, toàn phường hiện có hơn 40ha lúa đến thời kỳ thu hoạch đang chìm trong biển nước thuộc các tổ dân phố 1, 5, 7, 8. Ngoài ra còn có 2 - 3ha hoa màu và 5ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập nước. Dù chưa thống kê chính xác thiệt hại, song theo ông Quý con số thiệt hại không hề nhỏ. "Trận lụt lịch sử năm 2008 nước dâng từ từ nên địa phương còn chuẩn bị ứng phó kịp nhưng lần này nước đổ từ núi xuống đột ngột nên trở tay không kịp" - ông Quý cho hay.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, địa phương đã liên hệ với Học viện Phòng không - Không quân, Trung đoàn 692 Quân khu Thủ đô đóng trên địa bàn, huy động hơn 200 chiến sĩ phối hợp cùng với công an, dân quân và người dân địa phương tham gia khắc phục. Tính đến chiều qua mực nước trên sông Hang đã rút bớt, song trạm biến áp xóm Cời đã bị nước gây xói lở mạnh, đe dọa hành lang an toàn lưới điện. Trước tình trạng này, Điện lực Sơn Tây đã tích cực huy động lực lượng triển khai các biện pháp cứu trạm biến áp và có phương án sớm cấp điện trở lại các hộ dân khu vực xóm Cời cùng một số DN trong khu vực.

Theo thống kê của UBND thị xã Sơn Tây, tính đến cuối giờ chiều 18/9, diện tích bị ngập úng do mưa lũ toàn thị xã đã lên tới hơn 266ha. Trong đó, có 227,1ha lúa, 27,85ha rau màu và 11,09ha thủy sản, tập trung tại phường Trung Sơn Trầm và các xã Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ. Ngoài ra còn một số thiệt hại khác về tài sản. Hiện, thị xã Sơn Tây vẫn đang chỉ đạo các địa phương triển khai khắc phục hậu quả của mưa lũ.

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ, do mưa lớn cộng với lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình dồn về nên nước sông Bùi lên rất nhanh gây ngập úng cục bộ một số thôn, xóm, trường học, đường giao thông thuộc địa bàn thị trấn Xuân Mai, các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến. Huyện Chương Mỹ đã chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn, chưa có thiệt hại về người, sự cố về đê điều, hồ đập, công trình thuỷ lợi. Nước sông Bùi dâng cao làm ngập sâu 149 hộ ở Thủy Xuân Tiên và Tốt Động. Đến chiều 18/9, đã có 165ha lúa và 23 ha thủy sản của huyện bị ngập và làm chết một số gia súc, gia cầm.

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, lượng mưa đo được trên địa bàn TP trung bình đạt 87,6mm, trong đó lượng mưa lớn nhất đo được tại Cầu Dậm (Mỹ Đức) là 220mm. Ngoài ra, lượng mưa trung bình đo được tại Sơn Tây là 146mm, Suối Hai (Ba Vì) là 190mm. Mực nước các sông chính như sông Hồng, Đà, Đáy, Đuống đều ghi nhận mức cao hơn hôm qua từ 0,1 - 1,2m. Để chủ động chống úng cho khu vực ngoại thành, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội đã vận hành 5 trạm bơm với 16 máy, tổng công suất 35.500m3/h. Trong khu vực nội thành, theo ghi nhận tại thời điểm sáng sớm ngày 18/9 có một số vị trí xuất hiện úng ngập khoảng 0,1m như chân cầu Vĩnh Tuy, Mạc Thị Bưởi, Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trường... nhưng kéo dài không lâu. Các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống.

Thông tin của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây mưa lớn khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, công trình giao thông, thủy lợi bị ảnh hưởng. Đặc biệt, đã có thêm một trường hợp không may thiệt mạng là cháu Nguyễn Tùng Dương, 10 tuổi ở xã Hương Giang, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) do lũ cuốn khi đi chăn trâu. Như vậy, tính đến nay, đã có 2 trường hợp thiệt mạng và 1 người bị mất tích do mưa bão số 3. Ban Chỉ đạo T.Ư cũng đã có công điện đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các bộ, ngành và một số địa phương phía Bắc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ. Đồng thời thông tin, cảnh báo kịp thời, đầy đủ đến chính quyền và Nhân dân, nhất là ở các khu vực ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng có nguy cơ sạt lở cao biết để chủ động các biện pháp ứng phó. Đặc biệt, sẵn sàng các phương án di dời dân khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất và bố trí biển báo, lực lượng để hướng dẫn, kiếm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đương bị ngập, đò ngang - đò dọc để đảm bảo an toàn cho người dân.