Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lớn tiếp diễn, lũ lụt lại đe dọa miền Trung

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần nửa tháng sau khi đợt mưa lũ lịch sử đổ bộ tàn phá miền Trung, những thiệt hại chưa kịp khắc phục thì nay Hà Tĩnh, Quảng Bình lại đang đứng trước nguy cơ lũ lớn.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình ngày 31/10, mực nước trên sông Gianh đã lên cao xấp xỉ mức báo động 3 (mức cao nhất). Một số tuyến đường ven sông Gianh, nhất là Quốc lộ 12 đoạn qua huyện Tuyên Hóa bị ngập sâu khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.

Ngày 30/10, nhiều học sinh trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã phải nghỉ học vì đường ngập không tới được trường. Đặc biệt, đợt mưa trung tuần tháng 10/2016 khiến tuyến đường huyết mạch vào bản Lòm (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) bị sạt lở khiến nơi đây hiện vẫn đang bị cô lập và chia cắt với trung tâm huyện.

 Các trường học ở địa bàn xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch, Quảng Bình) sáng nay đã chủ động cho học sinh nghỉ học vì nước lũ lại ngập trường.

Tương tự, tại Hà Tĩnh, mưa lớn liên tục hai ngày qua cùng với việc xả lũ hồ thủy điện Hố Hô khiến một số địa phương bị ngập sâu. Nghiêm trọng nhất là thị xã Kỳ Anh và 4 xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hương Đô (huyện Hương Khê). Đây cũng được xem là “rốn lũ” của khu vực miền Trung. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị qua điện thoại, ông Trần Đình Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết, do mưa lũ nên trong ngày hôm nay (31/10), khoảng 4.500 học sinh thuộc 13 trường học các cấp trên địa bàn huyện đã phải nghỉ học. Nhiều hộ dân vùng “rốn lũ” Hương Khê thông tin, nước từ sông Ngàn Sâu đã chảy tràn, ngập lan tới sân nhà…

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư phát đi chiều 31/10, mưa to đến rất to sẽ còn tiếp diễn tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên cho tới hết ngày 5/11. Mưa lũ khiến mực nước các sông từ Nghệ An tới Ninh Thuận, nhất là Hà Tĩnh và Quảng Bình lên mức báo động 2 - 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại khu vực trũng thấp, đặc biệt là tại các huyện Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh) và Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Để chủ động ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ, nhất là trong bối cảnh hậu quả từ trận đại hồng thủy trung tuần tháng 10/2016 còn chưa khắp phục xong, ngày 31/10, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã có Công điện số 33/CĐ-TW. Theo đó, các tỉnh, TP từ Nghệ An đến Ninh Thuận, các bộ ngành liên quan cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời, đầy đủ đến chính quyền và người dân, nhất là tại những khu vực ven sông suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng trũng thấp để chủ động phòng, tránh.

Khẩn trương rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án di dời dân khi có sự cố. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc khi có lũ. Đồng thời, tập trung kiểm tra các hồ chứa và chủ động xả lũ nhằm bảo đảm an toàn đập cũng như vùng hạ du.