Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lớn trên 150mm, nguy cơ lũ quét, sạt lở đe dọa nhiều địa phương

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra thông tin dự báo mưa lớn, gió giật mạnh, cảnh báo lũ quét, sạt lơ đất tại nhiều địa phương ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.

Hiện trường sau trận lũ quét tại Mường Pồn rạng sáng 25/7/2024. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Hiện trường sau trận lũ quét tại Mường Pồn rạng sáng 25/7/2024. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Ngày hôm nay (28/7), ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông cục bộ.

Từ chiều tối ngày 28/7 đến chiều tối ngày 30/7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến: khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ: 50-150mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ: 30-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Ngoài ra, chiều tối và đêm 28/7, khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm.

Trung tâm cảnh báo, từ đêm 30/7-31/7, ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Từ đêm 31/7, mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ có khả năng giảm dần. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Cảnh báo lũ trên các sông khu vực Bắc Bộ

Trung tâm cũng cho biết, mực nước các sông khu vực Bắc Bộ đang biến đổi chậm và ở dưới báo động (BĐ)1, riêng sông Đáy (Hà Nam) ở mức trên BĐ1; mực nước một số sông vùng cửa sông ven biển đang dao động theo kỳ triều.

Trung tâm cảnh báo, từ tối nay (28/7) đến ngày 30/7/2024, trên các sông suối nhỏ thượng lưu khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện 01 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức BĐ1- BĐ2.

Mực nước các sông suối tại hạ lưu khu vực đồng bằng sông Hồng- Thái Bình tiếp tục biến đổi chậm theo xu thế xuống dần.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, các khu đô
thị và thành phố tại các tỉnh khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc Bộ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 1.

Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội; mực nước lũ các sông suối nhỏ hạ lưu sông Hồng- Thái Bình duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông Đáy, sông Bùi, sông Tích và các nơi khác vùng đồng bằng sông Hồng- Thái Bình.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Trung tâm cũng cho biết, trong 1 giờ qua (từ 16 giờ đến 17 giờ ngày 28/7), khu vực các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to như: Mường Đun 30mm (Điện Biên); Săm Khóe 41,6mm (Hòa Bình); Phú Bình 32,6mm (Tuyên Quang); Trung Sơn 2 32,4mm (Thanh Hóa); Cao Sơn 60mm (Nghệ An),...

Mưa lớn trên 150mm, nguy cơ lũ quét, sạt lở đe dọa nhiều địa phương - Ảnh 1

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão
hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.

Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo (Điện Biên); Mai Châu (Hòa Bình);Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn (Thanh Hóa); Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương (Nghệ An).

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1. Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.