Mưa lớn vào mùa khô ở miền Trung: Bất thường so với quy luật

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi 300mm, thậm chí cao hơn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành miền Trung (từ 30/3 - 1/4) được nhận định là bất thường so với quy luật nhiều năm.

Không phải mưa lũ tiểu mãn

Liên quan đến đợt mưa lớn tại Quảng Ngãi (đặc biệt từ 31/3 đến sáng 1/4) với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn như: Trà Phú (huyện Trà Bồng), TP Quảng Ngãi từ 250 - 270mm, ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi khẳng định: “Đây không phải mưa lũ tiểu mãn, mà là mưa bất thường. Với Quảng Ngãi, nguyên nhân đợt mưa lớn trong mùa khô nêu trên là do ảnh hưởng rìa bắc vùng áp thấp, kết hợp đới gió đông”.

Mưa lớn gây ngập tại khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi.
Mưa lớn gây ngập tại khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi.

Theo ông Nhâm Xuân Sỹ, trước đó, vào năm 2015, Quảng Ngãi cũng xảy ra đợt mưa lớn tương tự vào mùa khô, tuy nhiên năm nay, tình trạng này diễn ra trên diện rộng, tại nhiều tỉnh, thành nên thiệt hại càng nặng nề.

Cũng lý giải về đợt mưa lớn vừa qua, ông Phạm Văn Chiến - Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho biết: “Nguyên nhân của đợt mưa lớn nhiều ngày xảy ra trên diện rộng là do ảnh hưởng kết hợp giữa vùng rãnh thấp với vùng áp thấp và gió mùa đông bắc. Đợt mưa này bất thường so với quy luật nhiều năm với lượng mưa phổ biến từ 30/3 - 1/4 là 100 - 200mm, có nơi đến 300mm hoặc cao hơn, trải dài nhiều tỉnh khu vực Trung Trung Bộ như: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định… Tuy nhiên, nhiều nhất là khu vực từ Huế đến Quảng Nam. Mưa lớn liên tục nhiều ngày đã gây ra tình trạng ngập úng đồng ruộng và vùng thấp, trũng”.

Theo ông  Phạm Văn Chiến, tình trạng mưa lớn diện rộng dù bất thường nhưng đơn vị đã đưa ra cảnh báo sớm, nhận định được về thời gian và lượng mưa để các địa phương chủ động ứng phó. Đồng thời, trong các bản tin còn cảnh báo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh kèm theo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Thông tin từ cơ quan chức năng, từ chiều ngày 30/3 - 1/4, khu vực các tỉnh Trung Bộ đã xuất hiện một đợt mưa to, có nơi mưa rất to. Ở khu vực từ Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có lượng mưa phổ biến từ 100 - 250mm; các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, lượng mưa phổ biến từ 250 - 300mm, có nơi lớn hơn như: A Lưới (Thừa Thiên Huế) 465mm.

Nhiều diện tích lúa đông xuân 2021 - 2022 bị ngã đổ, hư hại cho mưa lớn.
Nhiều diện tích lúa đông xuân 2021 - 2022 bị ngã đổ, hư hại cho mưa lớn.

Mưa lớn kèm theo giông lốc, gió giật mạnh, sóng lớn tại các tỉnh ven biển làm 1 người thiệt mạng và 1 người mất tích; hàng chục ngàn ha lúa, ha hoa màu ngập, ngã đổ; 176 tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa chìm, hư hỏng và nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Thời tiết diễn biến phức tạp

Tại Quảng Ngãi, hiện mưa đã ngưng nhưng từ đêm 1/4, rạng sáng 2/4 có đợt không khí lạnh cường độ mạnh, vùng biển có gió giật cấp 7 - 8. Tình trạng này dự kiến sẽ giảm vào ngày 4/4, tuy nhiên biển vẫn động mạnh, kéo dài đến ngày 5, 6 và giảm dần vào ngày 7, 8/4. Vùng ven biển, đảo cần chú ý đến tình trạng sạt lở, có phương án đảm bảo an toàn của tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Tàu thuyền neo đậu ở huyện đảo Lý Sơn.
Tàu thuyền neo đậu ở huyện đảo Lý Sơn.

“Đáng chú ý, từ ngày 4/4, khả năng ở Quảng Ngãi tiếp tục xuất hiện mưa lớn, bà con nông dân cần tranh thủ thu hoạch lúa sớm, xanh nhà hơn già đồng, không nên chần chờ vì trong điều kiện thời tiết diễn biến theo đợt: mưa, gió rồi tiếp tục mưa thì năng suất, sản lượng lúa sẽ giảm nhiều”, ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi nhấn mạnh.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên tranh thủ thu hoạch lúa, giảm bớt thiệt hại do thời tiết diễn biến xấu.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên tranh thủ thu hoạch lúa, giảm bớt thiệt hại do thời tiết diễn biến xấu.

Tháng 4 là tháng giao mùa, giai đoạn này trên hầu khắp các khu vực cả nước thường xuất hiện các đợt mưa dông chuyển mùa. Mưa dông trong giai đoạn này thường kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngoài nguy cơ về khả năng xuất hiện lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh trên đất liền, cơ quan chức năng còn đưa ra cảnh báo về tình trạng thời tiết xấu, gió mạnh, sóng cao vẫn còn đang duy trì trên nhiều khu vực Biển Đông. 

“Với điều kiện thời tiết bất thường, trái quy luật nhiều năm, mưa trái mùa, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết qua các cơ quan dự báo, theo dõi cảnh báo sớm thời tiết nguy hiểm, xác định vùng có khả năng bị ảnh hưởng dể có có phương án ứng phó. Người dân cần tuân thủ chỉ đạo, phương án của địa phương để ứng phó thời tiết nguy hiểm bất thường, nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, sản xuất” - ông Phạm Văn Chiến - Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ khuyến cáo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần