Mưa lũ, dông lốc sét gây nhiều thiệt hại trong hai ngày nghỉ lễ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hai ngày 30/4 và 1/5, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã có mưa lớn kèm dông, lốc, sét, gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặc biệt, có 1 trường hợp tử vong do bị sét đánh.

Số liệu quan trắc của cơ quan khí tượng thủy văn cho thấy, trong hai ngày 30/4 - 1/5, ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến từ 30-70mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Hà Lâu (Quảng Ninh) 147mm, Bộc Bố (Bắc Kạn) 124mm, Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 171mm, Hồ Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) 175mm…

Cho đến sáng nay (2/5), tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến từ 20-40mm. Một số trạm có mưa lớn như: Hồ sông Thai (Quảng Bình) 66mm, Giang Hải (Thừa Thiên Huế) 77mm, Đắk La (Kon Tum) 76mm, Hồ Gia Lai (Gia Lai) 62mm...

Sạt lở đất trên Quốc lộ 23B từ Bình Thuận đi Lâm Đồng. Ảnh: Báo Bình Thuận.
Sạt lở đất trên Quốc lộ 23B từ Bình Thuận đi Lâm Đồng. Ảnh: Báo Bình Thuận.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, những ngày qua, Văn phòng Thường trực duy trì tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai. Thường xuyên chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo tới các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó gió mạnh trên biển, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. 

 

Chiều và tối ngày 2/5, ở Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 80mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Báo cáo sáng nay (2/5) từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang và Bình Thuận, cho thấy thiệt hại do mưa lớn kèm theo dông lốc sét xảy ra từ đêm ngày 29/4 đến nay là rất nặng nề. Nghiêm trọng hơn cả là tại huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), có 1 trường hợp bị chết do sét đánh. 4 nhà dân cũng bị tốc mái, hư hỏng.

Mưa lớn trong 2 ngày qua gây lũ đã khiến gần 5 tấn cá hồi, cá tầm của nông dân Sa Pa (tỉnh Lào Cai) bị nước lũ cuốn trôi. Số cá này thuộc 5 hộ chăn nuôi gồm: Thào A Dê, Hạng A Tráng, Hạng A Ú, Giàng A Khai và Thào A Páo. Do các cơ sở nuôi trồng đều nằm sát ven suối để tận dụng nguồn nước trực tiếp từ tự nhiên nên khi lũ ống bất ngờ đổ về, người dân không kịp trở tay.

Hàng trăm gia súc, gia cầm khác tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai cũng bị lũ cuốn trôi. Cùng với đó, hơn 245ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập, thiệt hại. Trên quốc lộ 28B – tuyến đường nối Bình Thuận và Lâm Đồng, do mưa lớn đã xảy ra vụ sạt lở đất đá từ trên triền núi khiến giao thông bị ách tắc trong nhiều giờ. 5 công trình thủy lợi tại các tỉnh thành cũng bị hư hỏng; cùng 70m đường giao thông nông thôn bị sạt lở; 40m tường rào và 200m2 nhà khung thép bị sập đổ...

Trước thiệt hại khá nghiêm trọng do mưa lớn, dông lốc sét, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương tập trung khắc phục hậu quả; tái thiết cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là hỗ trợ các gia đình có người bị nạn, mất nhà cửa sớm ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục triển khai ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất theoCông văn số236/VPTT ngày 28/4/2022 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực để ứng phó chủ động...